Thúc đẩy phát triển thương mại vùng sâu, vùng xa

Mô hình Phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Lâm Đồng được triển khai tại xã Rô Men, huyện Đam Rông với kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Các sản phẩm có chứng nhận và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được trưng bày tại điểm bán hàng

Các sản phẩm có chứng nhận và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được trưng bày tại điểm bán hàng

Năm 2024, Bộ Công thương tiếp tục triển khai Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 với việc xây dựng Mô hình Phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo đó, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các địa phương khảo sát địa điểm triển khai xây dựng Mô hình Phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi tiến hành khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà và Đam Rông, Sở Công thương đã tổ chức kết nối và lựa chọn hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp Hòa Ngân (Thôn 1, xã Rô Men) chủ trì cùng hợp tác với các doanh nghiệp có sản phẩm của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Lâm Đồng hình thành Mô hình Phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Lâm Đồng tại cửa hàng của hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp Hòa Ngân.

Theo đó, từ kinh phí của Bộ Công thương, huyện Đam Rông cũng đã sắp xếp, bố trí khu vực trưng bày các sản phẩm với diện tích khu vực trưng bày khoảng 100 m2 tại hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp Hòa Ngân. Đồng thời liên hệ, kết nối với các nhà sản xuất, phân phối các sản phẩm của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Đam Rông, Lâm Hà và các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương về trưng bày tại điểm bán hàng.

Ông Bùi Tiến Viết - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị huyện Đam Rông cho biết, mô hình được chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 11/2024. Tại cửa hàng có trên 20 loại sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện Đam Rông, Lâm Hà. Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm đều được các địa phương cấp chứng nhận OCOP 3 sao trở lên như: Mắc ca sấy, tinh dầu mắc ca, trà dây các loại, mật ong, cà phê, khổ qua rừng, trầm, măng rừng, chuối hột rừng sấy khô, nấm linh chi…

Theo Sở Công thương, đây là mô hình đầu tiên được Bộ Công thương triển khai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Cửa hàng có gắn biển hiệu cụ thể, là địa chỉ tin cậy nhằm quảng bá và giới thiệu những mặt hàng tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Lâm Đồng đã được cơ quan đánh giá, thẩm định và công nhận theo các tiêu chí quy định. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Lâm Đồng thúc đẩy hoạt động quảng bá, liên kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm.

Để mô hình tại huyện Đam Rông vận hành ổn định và hoạt động uy tín, tạo lòng tin đối với người tiêu dùng, Sở Công thương cũng đã đề nghị hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp Hòa Ngân tổ chức hoạt động kinh doanh đúng quy định, thông tin về sản phẩm rõ ràng, niêm yết giá sản phẩm đầy đủ, phục vụ khách hàng chu đáo và tổ chức hợp tác kinh doanh với đối tác bền vững; đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hợp tác trưng bày sản phẩm tại điểm bán hàng Việt Nam có trách nhiệm với sản phẩm trưng bày bảo đảm chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng, cùng xây dựng điểm bán hoạt động hiệu quả.

Ông Trần Văn Hòa - chủ hộ kinh doanh bách hóa tổng hợp Hòa Ngân cho biết, cửa hàng rất vinh dự khi được Sở Công thương và UBND huyện Đam Rông chọn làm mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện, cửa hàng đang liên kết với hơn 20 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để giới thiệu, quảng bá, trưng bày và bán các sản phẩm chủ lực. “Đây là địa điểm còn khá mới nên mới tiếp cận đến một bộ phận người dân tại khu vực trung tâm của huyện. Cửa hàng đi vào hoạt động vào dịp cuối năm, lại trùng với một số sự kiện quan trọng của huyện nên cũng đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến khách hàng ở xa. Tôi cũng hi vọng đây sẽ là một địa chỉ uy tín bày bán các sản phẩm có bao bì, xuất xứ đảm bảo để người dân an tâm mua sắm”, ông Hòa chia sẻ.

Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng, miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại khu vực này.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/thuc-day-phat-trien-thuong-mai-vung-sau-vung-xa-65c4207/