Quảng Trị: Giải pháp nào để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở Hải Lăng?
Huyện Hải Lăng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, để trở thành hiện thực thì nguồn nhân lực và bài toán cần có lời giải.
Hải Lăng phải biến những tiềm năng, thành cơ hội phát triển và làm mới mình thông qua du lịch. Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho người dân. Vấn đề đặt ra là làm sao để du lịch phát triển bền vững?

Mặc dù Khu du lịch Thác Chơờng chưa được đầu tư, nhưng rất đông du khách đến tắm vào mùa hè. (Ảnh: Cái Văn Long).
Phát triển du lịch cộng đồng bền vững, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát huy giá trị lợi thế tự nhiên, tài nguyên, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa, cảnh quan, không gian và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, đẩy mạnh phong trào xây dựng kinh tế nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cho khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng dịch vụ cộng đồng, tiến tới phát triển du lịch bền vững, bảo tồn đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân.
Đặc biệt, cần phải tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng trên cơ sở truyền thống gia đình, dòng tộc và khai thác truyền thống văn hóa địa phương.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa của người dân bản địa và vì cuộc sống của người dân, có sự tham gia của người dân địa phương, có chính sách quan tâm của nhà nước để tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng.
Quảng Trị cần xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng phù hợp với nhu cầu của du khách, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo môi trường văn hóa lành mạnh tại các điểm du lịch cộng đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Huyện Hải Lăng nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung, rất có tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cho nên HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Số 12/2022/NQ-HĐND ngày 15/4/2022 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 – 2030. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, tổ chức, nhất là các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chuyên nghiệp triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí để lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 các khu du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển du lịch; Hỗ trợ cải tạo cảnh quan môi trường điểm, khu du lịch cộng đồng; Hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; Hỗ trợ xây dựng nhà đón tiếp và trưng bày bán hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Trị phục vụ khách du lịch; Hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các khu, điểm du lịch cộng đồng; Hỗ trợ xây dựng hệ thống biển, bảng thuyết minh chỉ dẫn; Hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; Hỗ trợ công tác xúc tiến du lịch,…”

Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc. (Ảnh: Cái Văn Long).
Còn ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “UBND tỉnh đã tổ chức quy hoạch, đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỷ thuật cho phát triển du lịch cộng đồng. Xây dựng kế hoạch và chương trình hành động dài hạn đối với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất điểm du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, giữ gìn cảnh quan môi trường, đầu tự hạ tầng cho khu vực được lựa chọn, đề xuất và xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích người dân phát triển cơ sở vật chất kỷ thuật dịch vụ du lịch cộng đồng. Ưu tiên nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia cho phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng đón khách du lịch. Đặc biệt là huy động đồng bộ các nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn ban đầu cho các hộ gia đình, các thành viên trong cộng đồng để tạo cơ sở vật chất nhằm phát triển du lịch cộng đồng”.

Thiên nhiên ban tặng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú ở Khu du lịch sinh thái Thác Chơờng. (Ảnh: Cái Văn Long).
Ông Nam chia sẻ thêm: “UBND tỉnh đã đồng ý và giao nhiệm vụ cho huyện Hải Lăng chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Thác Chơờng nằm trên bàn 2 xã, Hải Sơn và Hải Chánh với tỷ lệ 1/2000 để thu hút đầu tư. Đây là một địa điểm có cảnh quan rất đẹp để phát triển và thu hút khách du lịch trong cũng như ngoài nước”.
Ông Cáp Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: "Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, tổ chức, nhất là các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chuyên nghiệp triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch, liên kết đầu tư khai thác phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp, tổ chức được cung cấp miễn phí thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, ngành, nghề đầu tư, quy hoạch sử dụng đất. Tiếp cận quỹ đất khi nghiêng cứu, thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện".
Liên quan đến vấn đề nêu trên ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Muốn phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người dân, doanh nghiệp về phát triển du lịch cộng đồng. Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỷ năng nghề và kỷ năng mềm phục vụ khách du lịch cho cộng đồng dân cư theo hướng chuyên nghiệp, bền vững và thân thiện. Xây dựng các ấn phẩm, video clip giới thiệu các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Hải Lăng nói riêng để tuyên truyền, quảng bá tại các hội chợ, triễn lãm trong và ngoài nước. Tổ chức các hoạt động liên kết du lịch các vùng, miền, tổ chức các chương trình khảo sát, kết nối sản phẩm du lịch cộng đồng”.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, huyện Hải Lăng nên tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa sẵn có và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh về khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển du lịch nông thôn, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, làm “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.