Thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong cả nước, trong đó có vùng trung du, miền núi phía Bắc đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ. Tuy vậy, khó khăn vẫn còn nhiều ở khu vực này, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng... Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do vị trí địa lý không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn trong khi nguồn lực đầu tư cho khu vực này còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đồng bào dân tộc Dao truyền dạy nghề thêu cho các thế hệ sau.

Đồng bào dân tộc Dao truyền dạy nghề thêu cho các thế hệ sau.

Thực tế trên đòi hỏi phải có chính sách mang tính đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Được biết, Chính phủ đã phê duyệt và tích cực chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đề ra là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đảm bảo phát triển toàn diện trên cơ sở khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS. Phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm trên 3%; có khoảng 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố… Ngoài ra, phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; đảm bảo đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu…

Hiện nay, các địa phương, trong đó có Thái Nguyên đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu mà Chương trình đề ra. Cụ thể, tỉnh đang tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào; đẩy mạnh quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư khu vực miền núi; quan tâm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống, sản xuất của bà con; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng khó; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch…

Để thực hiện tốt mục tiêu Chương trình đề ra, được biết, trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ chỉ đạo huy động trên 137 nghìn tỷ đồng dành cho phát triển khu vực đồng bào DTTS và miền núi, trong đó nguồn ngân sách Trung ương chiếm đa số.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-moi/202410/thuc-day-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-8d30f0d/