Thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng xanh

Sáng 8-8, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức hội thảo 'Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện'.

Các đại biểu dự hội thảo "Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”. Ảnh: Phương Thảo.

Các đại biểu dự hội thảo "Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”. Ảnh: Phương Thảo.

Hội thảo nhằm tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá của quá trình chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tạo lập hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ cho quá trình chuyển dịch nói trên; đồng thời cũng đề cập đến tiềm năng, xu hướng một số lĩnh vực, ngành xanh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam như hydrogen, xe điện, thị trường tín chỉ các-bon, tài chính xanh...

Hội thảo cũng xác định những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần được tháo gỡ và xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở quá trình chuyển dịch năng lượng xanh và kinh tế xanh hiện nay.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo không dễ dàng, bởi các hệ thống cung cấp năng lượng xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.

“Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 lên tới hơn 130 tỷ USD, nhưng trong hơn 3 năm qua mới đạt khoảng 30 tỷ USD. Như vậy, trong hơn 6 năm còn lại, cần hơn 100 tỷ USD đầu tư cho ngành điện, đây là thách thức rất lớn”, ông Phạm Anh Tuấn nói.

Phân tích sâu về các dự án điện LNG gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện, ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nêu, do hành lang pháp lý cho mọi hoạt động, từ chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư cho đến đàm phán các hợp đồng còn vướng, dẫn tới các quyết định đầu tư chậm và khó ban hành. Nhiều dự án có nhiều nhà đầu tư quan tâm, song sau nhiều năm theo đuổi vẫn tiếp tục ở trạng thái khó giải quyết…

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Việt Nam đã có nhiều chính sách liên quan đến hydro xanh. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể triển khai thì cần có chính sách, chuẩn mực rõ ràng.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuc-day-qua-trinh-chuyen-dich-nang-luong-xanh-674241.html