Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, thực chất, hiệu quả
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là sự kiện mang tính biểu tượng đặc biệt, đồng thời được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển ổn định, vững bền, thực chất và hiệu quả hơn.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14/4 đến 15/4. Đây là lần thứ tư ông Tập Cận Bình tới thăm Việt Nam trên cương vị người đứng đầu Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh dấu sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng của hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đều bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng; khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn, tổ chức bộ máy để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong khi đó, Trung Quốc đã trải qua nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội XX của Đảng. Tình hình chính trị nội bộ Trung Quốc tổng thể ổn định, vị thế hạt nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục được củng cố vững chắc. Mới đây, tại kỳ họp Lưỡng hội khóa XIV vào tháng 3/2025, Trung Quốc đặt mục tiêu xuyên suốt là “tăng trưởng” và “ổn định”, thúc đẩy phát triển chất lượng cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 8/2024
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình còn diễn ra đúng thời điểm Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc 2025 đang diễn ra sôi động và hai nước vừa kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025).
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tổng thể duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều thành tựu.
Mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước đang phát triển hết sức tích cực và có chiều sâu. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước liên tục có những chuyến thăm và các cuộc tiếp xúc quan trọng với hình thức đa dạng.
Trong năm 2024 vừa qua, các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay đã thăm Trung Quốc. Cụ thể, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vào tháng 8/2024; Thủ tướng Phạm Minh Chính có 2 chuyến công tác Trung Quốc vào tháng 6/2024 và 11/2024; Chủ tịch nước Lương Cường đã thăm chính thức Trung Quốc trên cương vị Thường trực Ban Bí thư vào 10/2024. Ở chiều ngược lại, trong năm qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh đã tới Việt Nam vào tháng 10/2024 và tháng 7/2024.
Từ đầu năm 2025 đến nay, hai bên duy trì mật thiết trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2025.
Hai bên không chỉ củng cố vững chắc lòng tin chính trị, nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” theo định hướng “6 hơn” mà còn làm sâu sắc hơn hợp tác thực chất trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục, khoa học, giao lưu nhân dân…
Về các lĩnh vực hợp tác thực chất, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đã vượt 200 tỷ USD trong 4 năm liên tiếp. Trong năm 2024 vừa qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 205,2 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2023. Trong quý 1/2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD, tăng 17,46% so với cùng kỳ.
Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia, sau Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Về đầu tư, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, Trung Quốc có 5111 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 30,83 tỷ USD. Trong quý 1/2025, Trung Quốc đứng thứ hai (chỉ sau Singapore) về tổng số vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam với 1,23 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong năm 2024, 3,74 triệu lượt khách Trung Quốc đã tới Việt Nam. Thống kê này tăng 114% so với năm 2023 và chiếm 21,26% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong quý 1/2025, Việt Nam đã đón 1,58 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc tăng 178% so với cùng kỳ và đứng đầu trong số các thị trường khách du lịch tới Việt Nam.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương đạt nhiều thành quả thiết thực, đáng khích lệ. Đặc biệt, Việt Nam và Trung Quốc đang đẩy nhanh thúc đẩy kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu, với điểm nhấn là tuyến đường sắt xuyên biên giới Việt Nam – Trung Quốc sắp được khởi công.
Trên các diễn đàn đa phương, hai bên tích cực phối hợp nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Theo dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lần lượt có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Bên cạnh đó, hai bên sẽ có nhiều hoạt động quan trọng và ký kết nhiều văn kiện hợp tác ở hàng loạt lĩnh vực.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là sự kiện mang ý nghĩa và tính biểu tượng quan trọng đối với hai nước sau dấu mốc 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển ổn định, vững bền, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới, vì lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước.