Thúc đẩy quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả
Thảo luận về sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc hoàn thiện khung khổ pháp luật là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, chiều 15/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Trước đó, ngày 3/6, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật, đồng thời nội dung này cũng đã được đưa ra thảo luận tại tổ với 79 lượt đại biểu phát biểu ý kiến.
Cần quy định rõ giới hạn tổng độ băng tần
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì trước hết phải phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, làm chủ hạ tầng băng rộng cũng như các công nghệ nền tảng số. Để đạt được mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam, hoàn thiện khung khổ pháp luật là một trong những điều kiện tiên quyết.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) quan tâm đến vấn đề quy hoạch giới hạn tổng độ rộng băng tần cho 1 tổ chức sử dụng, triển khai mạng thông tin di động mặt đất. Đại biểu băn khoăn, việc giới hạn tổng độ rộng băng tần cho 1 tổ chức sử dụng liệu có làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, gây ảnh hưởng đến phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không?
Theo đại biểu, thay vì quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần cho 1 tổ chức sử dụng, để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, cần bảo đảm công bằng, thúc đẩy tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, kích thích tăng cường đầu tư về công nghệ, thiết bị để kinh doanh có hiệu quả, tránh tình trạng doanh nghiệp có băng tần, khối băng tần nhiều sử dụng không hết, còn doanh nghiệp khác không đủ cho nhu cầu, xảy ra tình trạng tích tụ tần số gây lãng phí tài nguyên.
Đại biểu kiến nghị Luật cần bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết và đầy đủ về tiêu chí, điều kiện trường hợp doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện; nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông; các biện pháp quản lý nhà nước bảo đảm được thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông và chế tài xử lý vi phạm hành chính khi doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết triển khai mạng viễn thông.
Trong trường hợp nếu vẫn giữ nguyên quy định theo hướng giới hạn tổng độ rộng băng tần cho 1 tổ chức sử dụng, cần phải bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc và tiêu chí xác định hạn mức. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị quy định áp dụng cho nhóm công ty chứ không chỉ cho từng công ty đơn lẻ để tránh tình trạng băng tần được cấp cho nhiều công ty, nhưng các công ty này lại cùng 1 tập đoàn hay cùng chủ sở hữu.
Chung quan điểm, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số.
Điều này cũng được khẳng định qua thực tiễn, hồ sơ dự án Luật đã chỉ ra nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu băn khoăn về phân bổ được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất. Vì thực tế tại Việt Nam, nhu cầu tần số của mỗi nhà mạng khác nhau phụ thuộc vào số lượng thị phần thuê bao. Việc quy định giới hạn có thể dẫn đến không đủ tài nguyên tần số, doanh nghiệp cần ít lại được cấp nhiều tần số, doanh nghiệp cần nhiều thì lại không có, gây lãng phí tài nguyên.
Mặt khác, khi công nghệ ngày càng phát triển, quỹ băng tần ngày càng mở rộng trên các băng tầng cao, với tốc độ phát triển công nghệ nhanh như hiện nay thì băng tần càng nhiều. Cho nên, việc quy định giới hạn có thể gây khó khăn cho việc xác định được số lượng tỷ lệ băng tần có thể được cấp cho mỗi nhà mạng. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện xác định hạn mức sử dụng băng tần để doanh nghiệp căn cứ vào đó thực hiện.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh trong sử dụng tần số vô tuyến điện
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nêu rõ, Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện được bổ sung khoản 4 như sau: "Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh. Để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp, không làm ảnh hưởng đến bảo đảm quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông".
Báo cáo thẩm tra cho rằng, đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện và trước mắt chưa nên quy định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho biết thẩm quyền cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Bên cạnh đó, theo đại biểu, nếu mục tiêu là mạng lưỡng dụng thì chắc chắn ngay từ khâu thiết kế mạng và quy trình vận hành ban đầu phải tính toán sao cho bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh với các yêu cầu an toàn, bảo mật cao, đồng thời vẫn có thể cung cấp dịch vụ cho phát triển kinh tế-xã hội khi cần thiết.
Vì vậy, đại biểu bày tỏ ủng hộ việc quy định tại khoản 4, Điều 45 của dự án Luật, trường hợp đặc biệt thì các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện để phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế trình Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng quyết định.
Đại biểu kiến nghị dự án Luật cũng cần phải nghiên cứu, bổ sung cụ thể thế nào là trường hợp đặc biệt hoặc bổ sung 1 điều khoản giao cho Thủ tướng quy định các trường hợp đặc biệt được phép đề nghị Thủ tướng quyết định sử dụng tần số vô tuyến điện với mục đích sử dụng cụ thể, nhằm minh bạch và phù hợp. Đồng thời, xem xét bổ sung các quy định để bảo đảm bình đẳng về lợi ích và nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh giữa các thành phần kinh tế, nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế thị trường tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cũng bày tỏ đồng tình với đề nghị nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đại biểu, trong quy định của khoản 1 và khoản 2 Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành, việc phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh đã được quy định rất chặt chẽ, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề xuất việc phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ, trên cơ sở quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ riêng thì phải có sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Như vậy, nếu sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ phục vụ quốc phòng, an ninh cho mục đích kết hợp phát triển kinh tế-xã hội thì cần phải được tính toán từ đầu kỳ quy hoạch để bảo đảm chặt chẽ trong phân bổ nguồn lực và đáp ứng yêu cầu sử dụng cho từng mục tiêu.
Theo đại biểu, nếu quy định như dự thảo theo hướng việc sử dụng kết hợp này theo từng trường hợp thì khó bảo đảm được mục tiêu quốc phòng, an ninh như đã đề ra, do tần số vô tuyến điện bị phân tán cho cả mục đích phát triển kinh tế-xã hội và mục đích quốc phòng, an ninh.
Hơn nữa, dự thảo luật cũng không có tiêu chí, nguyên tắc nào để Thủ tướng Chính phủ có cơ sở để sử dụng kết hợp các mục đích này mà chỉ quy định chung chung trường hợp đặc biệt. Đại biểu cho rằng như vậy là chưa đảm bảo chặt chẽ và minh bạch.