Thức dậy rồi, Hồng Thái ơi...
Mùa này, những cây lê - thứ cây đặc sản riêng có của Hồng Thái đã nở hoa, kết trái. Hồng Thái cũng đã thức dậy sau giấc ngủ dài, mang trọn vẹn dáng hình của một xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới.
Lớn lên cùng nguồn cội
Hồng Thái là “thủ phủ” của những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, vắt ngang những sườn núi sương giăng bốn mùa.
Cụ ông Đặng Xuân Phú, thôn Nà Kiếm, năm nay đã 83 tuổi chậm rãi nói tiếng Kinh pha lẫn tiếng Dao, kể khách nghe câu chuyện lập nghiệp của người dân tộc Dao nơi đất lành. Vùng đất này xa xưa đã nổi tiếng về sự trù phú và giàu có. Ban đầu những thửa ruộng bậc thang là do người Tày khai phá. Sau khi người Tày chuyển đi nơi khác, hai dòng họ người Dao là họ Đặng và họ Triệu mua lại ruộng đất và sinh sống đến bây giờ. Vì thế ở Hồng Thái, các địa danh là tiếng Tày nhưng hơn 90% dân số là người dân tộc Dao. Nhiều thôn như Nà Kiếm, Khau Tràng, Bản Muông, Nà Mụ, Pác Khoang… đồng bào Dao tiền chiếm 100%.
Người Dao tiền Hồng Thái sinh sống trong những ngôi nhà lợp mái ngói âm dương rộng rãi. Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Bàn Tiến Sỹ tự hào, đây chính là bản sắc riêng có của người Dao Hồng Thái so với những địa phương khác. Ngói âm dương được làm từ đất sét, nung nhiều ngày trong lò than củi đượm. Anh Sỹ giải thích, sở dĩ gọi là ngói âm dương, là bởi ngói được lợp theo hình thế viên úp - viên ngửa, hay còn gọi là úp theo hình máng, vừa dễ thoát nước, lại tránh được những cơn gió to. Hồng Thái hiện sở hữu cả một quần thể nhà gỗ lợp mái ngói âm dương có thể phát triển làm dịch vụ du lịch. Những ngôi nhà ngói âm dương của người Dao Tiền ở Hồng Thái đều được xây dựng khang trang, rộng rãi, đủ chỗ cho cả 3 thế hệ sinh sống.
Bí thư chi bộ thôn Nà Kẹm Đặng Đức Triều vừa thổi bùng bếp lửa, vừa khoe với khách những dây thịt lợn treo gác bếp. Ông Triều chỉ cái tủ lạnh mới bên góc nhà bảo, tủ lạnh chỉ để trứng, để rau cho khỏi héo, khỏi hỏng thôi, còn thịt lợn mổ từ Tết, người Dao cứ buộc treo gác bếp, vài tháng nữa là có món thịt hun khói thơm lừng đãi khách quý rồi... Điều khiến du khách phương xa bất ngờ ở Hồng Thái là chuyện vệ sinh môi trường rất sạch sẽ. Là xã thuần nông, đến 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng những tuyến đường làng được rải bê tông phẳng phiu tuyệt nhiên không có rác thải, không chất thải của gia súc.
Làm giàu nơi đất khó
Đất đai ở Hồng Thái chủ yếu là đất đồi, chất đất khô, cảm giác như không có cây gì sống tốt được. Ấy thế mà nơi đây lại có rất nhiều cây trồng đặc trưng của xứ lạnh như chè Shan tuyết, lê Hồng Thái đến các loại rau củ quả... Đây chính là yếu tố “thiên thời, địa lợi” bởi, Hồng Thái nằm ở độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ. Đến với Hồng Thái mùa nào cũng có của ngon, vật lạ làm say lòng người.
Anh Đặng Ngọc Phố, ông chủ người Dao tiền “khai sinh” ra thương hiệu Chè Shan tuyết Na Hang trứ danh cười bảo, trước đây chè Shan chỉ được trồng làm rừng phòng hộ thôi, mà giờ thành thứ cây “hái ra tiền” của đồng bào quê mình rồi. Anh Phố chia sẻ, khởi nghiệp cũng gian nan lắm, không giống như chuyện có khách quý đến là hái búp chè quanh nhà về sao pha nước đãi khách đâu. Như anh cũng mất 2 năm liền loay hoay với từng búp chè, nhưng chén trà nào pha ra cũng không vừa ý, lứa được vị thì hỏng hương, lứa được hương lại hỏng vị. Chỉ đến khi ông Bàn Văn Dương, Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 ở Tân Thành (Hàm Yên) đến chơi, chỉ ra gốc rễ vấn đề chính là ở chiếc lò sao chè không cung cấp đủ nhiệt độ, thì chất lượng mới được thay đổi hoàn toàn. Anh Phố bảo, cái này gọi là duyên nợ, khi người Dao từ miền xuôi lên giúp người Dao miền núi cách chế biến chè thành hàng hóa. Giờ mỗi kg chè Shan tuyết của hợp tác xã được bán với giá từ 700 nghìn đồng đến vài triệu đồng. Sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường.
Khuổi Phầy, thôn xa nhất của xã Hồng Thái giờ cũng khoác lên mình một chiếc áo mới. Tất cả là nhờ công của vợ chồng Giám đốc Hợp tác xã Tân Hợp Đặng Đức Hầu. Ông Hầu chỉ những mảnh đồi bát úp quanh nhà bảo, đất ở Khuổi Phầy mênh mông, nhưng lâu nay cứ để cho cỏ dại mọc hoang vậy. Sau này học được cách làm rau sạch, vợ chồng ông dùng máy múc loại nhỏ xả đất, lên luống như ruộng bậc thang, cứ mỗi luống là 1 bậc để tránh xói mòn khi mưa và giữ được độ ẩm. Những luống rau bắp cải, su hào… được chăm bẵm kỹ càng, mỡ màng hiện hữu từng ngày. Rau lớn đến đâu, khách từ thị trấn Na Hang, thành phố Tuyên Quang, thậm chí cả Hà Nội gọi điện đặt xe khách gửi đi đến đấy. Dần dà, diện tích rau mở rộng dần, từ 2 ha lên 6 ha, rồi chục ha. Năm 2019, sản phẩm rau an toàn Hồng Thái được Siêu thị Vinmart ký hợp đồng tiêu thụ. Mỗi tháng, hơn 100 kg rau củ quả các loại được chuyển từ Hồng Thái và có mặt trong Siêu thị Vincom Tuyên Quang. Doanh thu của hợp tác xã năm 2019 đạt trên 600 triệu đồng, trong đó lãi khoảng 200 triệu đồng. Ông Hầu chia sẻ tin vui, năm 2020, Hợp tác xã Tân Hợp sẽ xây dựng một kho lạnh, diện tích trên 1.000 m2 để dự trữ rau, củ trước khi cung cấp đến người tiêu dùng. Đây sẽ là tiền đề để hợp tác xã tiếp tục mở rộng ra trồng một số loại rau, quả cao cấp hơn như súp lơ, dâu tây…
Cùng với chè Shan tuyết, rau quả sạch, cây lê cũng là sản vật riêng có, nhắc nhớ đến Hồng Thái. Bí thư Đảng ủy xã Đặng Đức Toàn cho biết, diện tích lê ở xã giờ có gần 50 ha. Tháng 2, tháng 3, hoa lê bắt đầu trổ bông trắng ngần, cũng là thời điểm khách du lịch đến với xã vùng cao này nhộn nhịp.
Chị Đặng Thị Dương, cán bộ văn hóa xã, cũng là chủ một Homestay ở thôn Khau Tràng khoe với khách, cuối tuần từng đoàn khách du lịch kéo nhau lên Hồng Thái để ngắm hoa lê, ngắm sương giăng và trải nghiệm những hoạt động văn hóa thú vị cùng với đồng bào. Homestay của Dương là một trong những Homestay đầu tiên có mặt tại xã. Dương khoe, nhà mình cùng lúc có thể phục vụ đến 20 khách. Trước nhà, Dương trồng rau, trồng lê, sau nhà nuôi gà, nuôi lợn…, khách cần gì, chủ nhà cung cấp đấy. Giờ ở Khau Tràng đã có 5 gia đình làm Homestay, trong đó nhà cán bộ, đảng viên tiên phong đi trước, từ nhà Bí thư Đảng ủy xã Đặng Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Bàn Tiến Sỹ, đến các đảng viên như Đặng Văn Hai, Đàng Xuân Trân…
Mới đây, ông Dương Minh Bình, người sáng lập, Giám đốc CBT Travel đã hỗ trợ, xây dựng thành công các Homestay tại Hòa Bình, Lào Cai… để hỗ trợ, hướng dẫn người dân Khau Tràng cách làm phát triển bền vững các Homestay tại địa phương. Đến thời điểm này, Homestay của Đặng Thị Dương cũng là Homestay đầu tiên ở Hồng Thái bắt tay vào “cải thiện về phần nhìn”, từ lắp đặt các đèn lồng bằng vật liệu thân thiện với môi trường, hình thành điểm ăn uống tập trung, rộng rãi. Dương hy vọng, về lâu dài, khi du lịch Hồng Thái đã trở thành điểm hẹn quen thuộc với khách du lịch, thì số lượng Homestay ở đây sẽ tăng lên, chất lượng phục vụ khách du lịch tốt hơn.
Bí thư Đảng ủy xã Đặng Đức Toàn phấn khởi, tuyến đường 9 km nằm trong chương trình phát triển hạ tầng du lịch từ trung tâm xã Hồng Thái đến Bắc Kạn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2020 sẽ góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến với xã. Hiện xã đang tiến hành khảo sát và đưa vào hành trình khám phá thác Tát Thốc ở Bản Muông, cùng với hành trình ngắm hoa lê, ruộng bậc thang và trải nghiệm hoạt động dù lượn… Mục tiêu của xã trong năm nay là sẽ thu hút trên 20 nghìn lượt khách du lịch - đưa du lịch Hồng Thái trở thành điểm nhấn trong hành trình của khách đến với huyện vùng cao Na Hang.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/thuc-day-roi-hong-thai-oi-129524.html