Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu
Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại,…
Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị quyết số 205/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 34 tỉnh thành và hơn 3.300 xã, phường, đặc khu.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tạo động lực trực tiếp cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm (điện tử, ô tô, máy móc, dệt may, da giày…) mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo năng lực sản xuất mới, bảo đảm cung ứng hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và phân phối hàng hóa qua nền tảng số, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp để khơi thông thị trường trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đặc biệt phải "tuyên chiến không khoan nhượng" với tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch tổng thể cấp quốc gia về xúc tiến thương mại giai đoạn 2025 - 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/6 /2025.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường toàn quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả (nhất là mặt hàng sữa, thuốc, thực phẩm), xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bộ Công an tập trung chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập chuyên án, đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ…; kịp thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa chung; phối hợp các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế, các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các cá nhân, doanh nghiệp buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, không để hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng vào Việt Nam, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng hàng hóa đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu; ưu tiên thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản vào thời điểm thu hoạch chính vụ; hài hòa hóa các quy định về hải quan, kiểm tra chuyên ngành; xử lý dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội về điều kiện xuất nhập khẩu.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng năm 2025 đạt 7,52%, cơ bản đạt kịch bản tăng trưởng 7,6% nêu tại Nghị quyết số 154/NQ-CP, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2025, dự báo cao nhất ASEAN và thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.Có 17/34 địa phương sau sáp nhập tăng trưởng trên 8%; trong đó, các địa phương đạt tốc độ tăng trưởng xấp xỉ hai con số trở lên như: Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Đà Nẵng..