Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh uy tín, bền vững
Thị trường nông sản, thực phẩm phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã bắt đầu sôi động. Và 'đến hẹn lại lên', cứ vào dịp này, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại nóng lên.
Lý do là nhu cầu tiêu thụ tăng vọt, trong khi các cơ quan chức năng vốn thiếu nhân lực và phương tiện kiểm tra lại càng khó kiểm soát thị trường, bởi các đối tượng làm ăn vô trách nhiệm luôn lợi dụng mọi kẽ hở để bán hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng ra thị trường.
Không lo sao được khi trong 10 tháng của năm 2023, cả nước đã xảy ra 93 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.617 người bị ngộ độc (trong đó, 21 người tử vong). Nhìn vào thực tế vẫn có không ít tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua các đợt thanh, kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát… Bên cạnh đó, không ít cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Mô hình quản lý chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng “đục nước béo cò”…
Với tính chất quan trọng của vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán, các cấp, ngành chức năng và địa phương cần tăng cường quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, trong thời gian này, các địa phương cần thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để đánh giá đúng thực tế công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý. Các địa phương kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý và nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm…
Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng, địa phương cũng cần phối hợp tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Các địa phương cũng cần tiếp tục tập trung xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.
Người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ ở các cửa hàng uy tín, được cấp có thẩm quyền cấp phép. Chỉ có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được sức khỏe bản thân, đồng thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh một cách uy tín, bền vững.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-uy-tin-ben-vung-648929.html