Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng mạnh hơn

Do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn vật nuôi và dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp thành phố cần nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng.

Thu hoạch trứng gà tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai

Thu hoạch trứng gà tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai

Do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn vật nuôi và dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp thành phố cần nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng.

Thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, những ngày này trên cách đồng trồng rau an toàn của xã Song Phương, huyện Hoài Ðức, không có cảnh tấp nập, nhưng sản xuất của người dân vẫn ổn định. Anh Nguyễn Văn Mạnh, người trồng rau lâu năm tại địa phương cho biết: Thời tiết vụ xuân năm nay nóng, ẩm, mưa phùn vào ban đêm, tương đối thuận lợi đối với các loại rau màu. Công sức chăm sóc và các chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật cũng thấp. Thời gian sinh trưởng, phát triển của rau, nhất là rau ăn lá ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, nhưng giá các loại rau thấp, khó tiêu thụ, dẫn đến thu nhập nông dân giảm sút. Anh Mạnh khẳng định, mặc dù so với cây lúa, trồng rau màu vẫn mang lại hiệu quả, thu nhập cao hơn, nhưng trong thời gian gần đây, không ít hộ dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cơ sở chăn nuôi gà đồi ở xã Thái Hòa, huyện Ba Vì cho biết, sau khi "bán chạy" lứa gà khi dịch cúm gia cầm vừa xuất hiện tại huyện Chương Mỹ bị lỗ vốn gần 50 triệu đồng, chị đã dừng chăn nuôi một thời gian để thực hiện phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại, vệ sinh môi trường. Sau khi tìm hiểu thị trường kỹ lưỡng, đến giữa tháng 3 chị đã mạnh dạn nuôi 50 con lợn theo hướng an toàn sinh học. Nhờ tận dụng lợi thế chuồng trại được thiết kế khép kín nằm xa khu dân cư, đàn lợn phát triển tốt. Tuy nhiên chị vẫn lo lắng nếu không may đàn lợn mắc bệnh thì gia đình chị sẽ phá sản.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, đến cuối tháng 3, thành phố gieo cấy gần 87.300 ha lúa xuân, hơn 8.000 ha trồng rau các loại, gần 3.600 ha ngô. Các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, nhưng do giá xuống thấp, khó tiêu thụ, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thấp so với các ngành nghề phi nông nghiệp, dẫn đến diện tích gieo trồng vụ xuân giảm hơn 10% so với vụ trước. Ðáng chú ý, dịch tả lợn châu Phi mặc dù đã cơ bản được khống chế, nhưng các cơ sở chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn tái đàn, nhất là đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng đàn lợn chỉ hơn 1,1 triệu con, giảm hơn 30% so cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại 12 hộ chăn nuôi ở huyện Chương Mỹ và huyện Mê Linh, buộc các hộ chăn nuôi phải tiêu hủy gần 20 nghìn con gia cầm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Ðăng, điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp ba tháng đầu năm là diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 22.400 ha, với sản lượng hơn 22 nghìn tấn, tăng gần 7%. Tổng đàn gia cầm hơn 33 triệu con, sản lượng trứng đạt 540 nghìn quả, đều tăng so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP Hà Nội giảm 1,1%. Ðời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Ðể lấy lại đà tăng trưởng, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, khuyến khích các hộ chăn nuôi tái đàn, nhanh chóng khôi phục đàn lợn; phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy với Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đánh giá, trong những năm qua, thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, nông nghiệp Thủ đô có sự phát triển đúng hướng, tăng trưởng từ 2%/năm trở lên. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội còn nhiều hạn chế. Tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, phát triển kinh tế nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Các chính sách về phát triển nông nghiệp khá đầy đủ, nhưng việc tổ chức thực hiện còn hạn chế. Ðặc biệt, cần phải có giải pháp cấp thiết khi quý I năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thủ đô giảm 1,1% so cùng kỳ, trong khi nông nghiệp cả nước vẫn tăng 0,08%. Ðồng chí Vương Ðình Huệ nhấn mạnh, nông nghiệp, nông thôn có vai trò hết sức quan trọng, là bệ đỡ cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội, nhất là trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, UBND thành phố cần rà soát tình hình sử dụng đất nông nghiệp, có cơ chế, chính sách, giải pháp sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí. Ngành nông nghiệp cần phải cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh tái đàn lợn lên mức 1,8 triệu con như trước khi có dịch để đáp ứng nguồn cung; tăng cường sản xuất thêm các loại rau, củ, quả để có khả năng tăng trưởng hơn 4% so năm trước.

Ðồng chí Vương Ðình Huệ đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 xem xét, đề xuất tăng thêm nguồn lực cho đầu tư công, xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Hội Nông dân thành phố chủ động giúp đỡ, hướng dẫn nông dân xây dựng phương án sản xuất, kết nối nông dân với nhà khoa học, ngân hàng; đồng thời đẩy mạnh khai thác vốn giúp nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập.

NGỌC THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44161902-thuc-day-san-xuat-nong-nghiep-tang-truong-manh-hon.html