Thúc đẩy sản xuất thích ứng dịch bệnh COVID-19

Dự báo, sau khi khống chế được dịch COVID-19, nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và quốc tế sẽ tăng cao. Do đó, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất ngay trong tình hình còn dịch bệnh với trọng tâm là đảm bảo chăn nuôi, lương thực, rau quả và các loại cây trồng ngắn ngày khác.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá một số mặt hàng nông sản rau, hoa hiện đang giảm mạnh từ 20-50%.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giá một số mặt hàng nông sản rau, hoa hiện đang giảm mạnh từ 20-50%.

Hoạt động sản xuất ổn định

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng diện tích gieo trồng rau, hoa của cả tỉnh 25.502 ha, đạt 103,1% kế hoạch, bao gồm: rau, đậu các loại 22.120 ha, hoa các loại đạt 3.382,5 ha.

Trong đó, nhóm rau ăn lá 8.524 ha, gồm các loại chủ lực như: xà lách 1.594 ha, cải bắp 2.400 ha, cải thảo 1.862 ha, bó xôi 113 ha, súp lơ 384 ha, các loại rau khác chiếm 2.169 ha. Nhóm rau ăn quả đạt 12.245 ha, năng suất ước đạt 290,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 355.399,8 tấn, gồm các loại: cà chua 2.087 ha, dưa chuột 170,6 ha, ớt ngọt 532 ha, ớt cay 307,6 ha, su su 357 ha, các loại rau ăn quả khác chiếm 6.281 ha. Nhóm rau ăn củ, rễ, thân đạt 3.367 ha, ước năng suất đạt 280 tạ/ha, sản lượng 94.402 tấn, gồm các loại như: khoai lang 665 ha, khoai tây 719 ha, su hào 188 ha, cà rốt 1.183 ha, hành tây 462 ha, củ dền 148,2 ha. Các loại đậu 490,6 ha, ước năng suất 197 tạ/ha, sản lượng 9.669 tấn.

Riêng về các loại hoa, tổng diện tích gieo trồng 3 tháng đầu năm đạt 3.382 ha, ước sản lượng đạt 783 triệu cành, gồm các loại hoa chủ lực như: hoa hồng 496,5 ha, sản lượng 144 triệu cành; hoa cúc 766 ha, ước sản lượng 431 triệu cành; hoa lay ơn 588 ha, ước đạt sản lượng 118 triệu cành; hoa cẩm chướng 287 ha, ước sản lượng 91 triệu cành; hoa ly ly 72 ha, ước sản lượng 16,8 triệu cành; các loại hoa khác 1.172 ha.

Trong khi đó, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến sản xuất và môi trường xung quanh; song ngành chăn nuôi trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện đang rất khởi sắc với tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc đạt gần 540.000 con, gia cầm với gần 7,7 triệu con.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: Nhìn chung, qua rà soát và thống kê thì tình hình dịch COVID-19 hiện không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản lại đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, giá một số mặt hàng nông sản rau, hoa hiện đang giảm mạnh từ 20-50% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID -19, ngoại trừ một số mặt hàng vẫn bình ổn giá như: khoai tây, hành tây, cà chua.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông sản chính của tỉnh Lâm Đồng vẫn là TP Hồ Chí Minh, sau đó đến Hà Nội, các chợ đầu mối rồi mới đến một số thương lái tại địa phương. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên người dân tại các thành phố lớn và các tỉnh đang có dịch hạn chế đi lại, vì vậy mà nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày giảm, kéo theo nhu cầu mua các nông sản cũng giảm, khiến cho giá một số mặt hàng xuống thấp, đặc biệt là các loại hoa.

Kỳ vọng nông nghiệp vượt khó

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, hiện Lâm Đồng vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng sản xuất, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời điểm dịch bệnh và sau đó. Trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp ở trên thế giới và cả Việt Nam, đặt ra những thách thức lớn cho ngành nông nghiệp. Vì vậy, nhiệm vụ lớn nhất của đơn vị hiện tại là giảm thiểu tối đa thiệt hại từ những thách thức đó.

Hiện nay, nhiều nhà vườn trong tỉnh đang rơi vào tình cảnh giá hoa thấp, lại không bán được, nên ngay sau khi thu hoạch các diện tích trồng hoa cắt cành ngắn ngày xong, nông dân tranh thủ cải tạo lại đất và linh hoạt chuyển đổi sang các loại rau màu mà thị trường sau dịch có nhu cầu cao sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn. “Đối với những diện tích trồng hoa cắt cành lâu năm, già cỗi, năng suất thấp, nông dân nên mạnh dạn cải tạo lại vườn bằng giống mới, hoặc tập trung các giải pháp phục hồi vườn cây” - ông Chiến khuyến nghị.

Ở bất kỳ thời điểm nào, trong mọi điều kiện dù bệnh dịch hay không, lương thực, thực phẩm vẫn là nhu cầu thiết yếu của con người. Dự báo sau khi khống chế được dịch COVID-19, nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và quốc tế sẽ tăng cao. Đây cũng là cơ hội để ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tận dụng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh. Hiện các địa phương có các vùng trồng nông sản lớn như Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng đã lên kế hoạch tăng sản lượng để mở rộng tối đa khả năng sản xuất kinh doanh và tăng thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Để tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân cũng như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh theo hướng chất lượng, an toàn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu tìm kiếm kênh tiêu thụ để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, các ngành liên quan nắm bắt tình hình lưu thông, tiêu thụ nông sản, nhất là các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình hình dịch COVID-19 và có dự báo kịp thời để ngành nông nghiệp đưa ra giải pháp chỉ đạo điều chỉnh quy mô, kế hoạch sản xuất, hạn chế thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

THANH SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/thuc-day-san-xuat-thich-ung-dich-benh-covid-19-2996427/