Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong công nghiệp

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trở thành mục tiêu cấp thiết của nhiều quốc gia, sáng ngày 3/12/2024, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam. Sự kiện thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và tổ chức quốc tế...

Hội thảo nhằm chia sẻ những kết quả đạt được từ dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, đây là dịp để đánh giá hiệu quả của các giải pháp kiểm toán năng lượng, cũng như đưa ra các định hướng mới cho việc xây dựng quy định tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm như thép và giấy.

Trên thực tế, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Phát biểu tại hội thảo, ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có 100 quốc gia đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (mục tiêu Net Zero).

Từ năm 2019, Việt Nam đã ban hành Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP3) giai đoạn 2019-2030, với mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc vào năm 2030. Điều này phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 - cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Đặc biệt, từ năm 2021, Bộ Công Thương và KOICA đã hợp tác triển khai Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam”.

Bà Yang Seo Hyeon, Phó Giám đốc Văn phòng KOICA tại Việt Nam khẳng định: “Dự án không chỉ góp phần thúc đẩy hiệu quả năng lượng mà còn mang đến những đóng góp to lớn cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, bảo vệ môi trường và xây dựng nền công nghiệp phát triển bền vững”.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trở thành mục tiêu cấp thiết của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trở thành mục tiêu cấp thiết của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam” bao gồm 5 hợp phần chính: Hợp phần 1: Lập dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng; hợp phần 2: Hỗ trợ thực thi quy định định mức tiêu hao năng lượng và hướng dẫn kỹ thuật về tăng trưởng xanh; hợp phần 3: Nâng cao năng lực liên quan tới đầu tư tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; hợp phần 4: Khảo sát, nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh; hợp phần 5: Phổ biến tuyên truyền về các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của các tỉnh.

Nổi bật trong năm 2023-2024, dự án đã tiến hành kiểm toán năng lượng tại 20 doanh nghiệp lớn thuộc các ngành tiêu hao năng lượng nhiều nhất như thép, xi măng, nhựa, phân bón và giấy. Kết quả, tổng cộng 366 giải pháp tiết kiệm năng lượng được phát hiện và triển khai, với tiềm năng tiết kiệm hàng năm lên tới 144.000 TOE (tấn dầu tương đương). Đây là một con số ấn tượng, góp phần giảm đáng kể gánh nặng tiêu thụ năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, dự án đã xây dựng và sửa đổi hai định mức tiêu thụ năng lượng dành riêng cho ngành giấy và thép, cùng năm hướng dẫn kỹ thuật chi tiết dành cho các lĩnh vực như dệt nhuộm, xi măng, bia và nước giải khát. Các tài liệu này không chỉ giúp các doanh nghiệp có định hướng rõ ràng mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa chi phí vận hành, tăng năng suất và giảm phát thải…

Ngoài các giải pháp kỹ thuật, dự án cũng chú trọng đến việc đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ. Trong năm 2024-2025, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về kiểm toán và quản lý năng lượng, cấp chứng chỉ cho 160 cán bộ quản lý năng lượng và 40 kiểm toán viên. Các hoạt động này không chỉ giúp nâng cao chuyên môn mà còn tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục mở rộng các chương trình tiết kiệm năng lượng trong tương lai.

Theo đại diện Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc, sự hợp tác giữa các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam không chỉ mang lại kết quả cụ thể mà còn là minh chứng cho tiềm năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững”… Những nỗ lực trên góp phần để Việt Nam tiến xa hơn trong hành trình hiện thực hóa cam kết về phát thải ròng bằng “0” và xây dựng một nền công nghiệp bền vững, hiện đại.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thuc-day-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-hieu-qua-trong-cong-nghiep-158378.html