Thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia để đẩy nhanh chuyển đổi số
Trên cơ sở danh mục các nền tảng số quốc gia, tỉnh Thanh Hóa sẽ đánh giá và lựa chọn các nền tảng số quốc gia phù hợp để triển khai trên địa bàn tỉnh.
Coi sử dụng nền tảng số quốc gia là giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số
Thực hiện “Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” được Bộ TT&TT phê duyệt hồi tháng 2, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình trên địa bàn.
Kế hoạch nhằm đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số quốc gia, coi đây là giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn. Sử dụng các nền tảng số quốc gia sẵn có để tạo hạ tầng mềm, hoạt động đồng bộ, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng thể, tránh việc triển khai phân tán, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp khác nhau.
Đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiêp, tổ chức, đơn vị đầu tư nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển các nền tảng số đạt yêu cầu, tiêu chí của nền tảng số quốc gia nhằm phục vụ quá trình chuyển đổi số của tỉnh.
“Thông tin, tuyên truyền, phổ biến nền tảng số”, “Triển khai sử dụng các nền tảng chuyển đổi số quốc gia” và “Xác định các nền tảng số của địa phương và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số ở địa phương” là 3 nhóm nhiệm vụ sẽ được tỉnh Thanh Hóa tập trung triển khai để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, về triển khai sử dụng các nền tảng chuyển đổi số quốc gia, ngay trong năm nay, Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa sẽ căn cứ Danh mục nền tảng số quốc gia, đánh giá và xác định rõ sự cần thiết, vai trò của từng nền tảng số quốc gia phù hợp, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nền tảng số quốc gia dùng chung trên địa bàn.
Sở TT&TT cùng các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện cũng sẽ tích cực phối hợp với Bộ TT&TT và cơ quan chủ quản, các doanh nghiệp có các nền tảng số quốc gia để thúc đẩy phát triển và đưa các nền số quốc gia vào sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Sở TT&TT sẽ chủ trì việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các nền tảng số quốc gia nhằm đồng bộ, liên thông; tạo hệ sinh thái dữ liệu và đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, rà soát, chuẩn hóa quy trình hoạt động cho phù hợp với nền tảng; đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng sử dụng nền tảng.
Với nhóm nhiệm vụ xác định các nền tảng số của địa phương và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Các doanh nghiêp, tổ chức, đơn vị trên địa bàn có nền tảng số đạt yêu cầu, tiêu chí của nền tảng số quốc gia hoặc có năng lực nghiên cứu, phát triển nền tảng số quốc gia có thể đăng ký tham gia Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia với Bộ TT&TT, thông qua Sở TT&TT.
Căn cứ danh mục nền tảng số quốc gia, khuyến khích các doanh nghiệp bố trí nguồn lực đầu tư nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng đạt yêu cầu, tiêu chí của nền tảng số quốc gia xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy sử dụng các nền tảng số.
Khi phát triển được nền tảng số, các doanh nghiệp có thể đề xuất kế hoạch đưa nền tảng số vào sử dụng; phương án hướng dẫn, đào tạo người dùng, chuyển giao sử dụng để đảm bảo sự sẵn sàng, thuận tiện cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng sử dụng nền tảng.
Sở TT&TT và các sở, ban, ngành cùng UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với các doanh nghiệp đề xuất giải pháp cụ thể thúc đẩy sử dụng rộng rãi các nền tảng số.
Đưa tỷ trọng thương mại điện tử chiếm tối thiểu 7%
Trong kế hoạch hoạt động năm 2022, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã giao Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa tập trung phối hợp cùng Bộ Công Thương và Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, với mục tiêu đưa tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chiếm tối thiểu 7%.
Trong nội dung hướng dẫn các bộ, tỉnh một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022, Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số năm nay là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp lợi ích của chuyển đổi số.
Nhiệm vụ ban hành kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn cũng được xác định là 1 trong 22 nhiệm vụ quan trọng của các bộ, ngành, địa phương để tạo đột phá về chuyển đổi số năm 2022.