Thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản
Kết thúc quý III-2019, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam có sự sụt giảm về kim ngạch. Vì vậy, việc dốc toàn sức cho sự tăng trưởng trong quý IV là đòi hỏi đối với tất cả các ngành hàng, nhằm góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xuất khẩu năm 2019 của toàn ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn
Sụt giảm diện rộng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chín tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính vẫn giảm khá mạnh với mức 7,2%, đạt 13,9 tỷ USD. Theo đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng cà-phê đạt 2,1 tỷ USD, giảm 21,8%; gạo đạt gần 2,24 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2%. Ðối với rau quả, đến hết ngày 15-9, xuất khẩu đạt 2,67 tỷ USD, giảm 6%. Phần lớn các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có kim ngạch thấp so với năm 2018 là do giá xuất khẩu bình quân giảm, đồng thời với việc giảm khối lượng xuất khẩu ở những thị trường truyền thống và trọng điểm, như thị trường Trung Quốc ước giảm 8%, EU ước giảm 6,5%. Lý do của sự sụt giảm này là từ những rào cản kỹ thuật mới của thị trường Trung Quốc cũng như EU. Ðối với thị trường Trung Quốc, đó là sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu hàng nông sản kèm theo những điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo hơn về mẫu mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác… khiến nhiều mặt hàng bị giảm số lượng khi xuất vào thị trường này. Thực tế này đã diễn ra tại nhiều địa phương từ đầu năm đến nay. Cụ thể như tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam từng ế gần một nghìn tấn mực khô trên tàu của ngư dân và trong kho của thương lái. Còn tại tỉnh Lâm Ðồng, sầu riêng vào mùa từng ở mức giá "dội chợ" mà cũng không có người mua; hay mít Thái ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thừa ế tới mức giá giảm từ 40 nghìn đến 50 nghìn đồng/kg. Ðặc biệt là mặt hàng gạo, sự sụt giảm kim ngạch phần lớn cũng đến từ việc bị thu hẹp thị phần tại thị trường Trung Quốc do nhiều lô hàng không có truy xuất nguồn gốc. Như An Giang là một tỉnh trọng điểm sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, hiện có 24 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gạo theo quy định của Chính phủ nhưng mới chỉ có sáu doanh nghiệp đạt chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc do nhiều doanh nghiệp hiện chưa đáp ứng được các điều kiện mới. Còn tại "thủ phủ" trái cây Tiền Giang, nhiều loại bị rớt giá nặng nề do nhiều nhà vườn chưa có các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói trên tem nhãn, mà theo quy định, danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói này phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước ta thông báo chính thức với cơ quan hải quan phía Trung Quốc.
Ngoài khó khăn từ thị trường Trung Quốc, nông sản Việt cũng tiếp tục đối mặt với những quy định chặt chẽ hơn từ thị trường Mỹ và EU. Cụ thể, từ ngày 1-9-2019, Ủy ban châu Âu đã bắt buộc yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ các nước bên ngoài EU, trong đó có Việt Nam. Còn tại thị trường Mỹ, các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường giám sát và gia tăng các điều kiện áp dụng đối với cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam.
Thích nghi và vượt qua
Theo thông lệ, quý IV thường là thời điểm để các ngành hàng tăng tốc về đích, đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cần sự linh hoạt của các ngành hàng trong việc thích ứng và vượt qua những rào cản cả về thương mại và kỹ thuật. Ðối với ngành hàng thủy sản, Tổng Thư ký VASEP Trương Ðình Hòe cho biết: Trước thực tế mặt hàng cá tra sụt giảm liên tiếp về giá trị xuất khẩu thì cần "bù đắp" thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu tôm khi có dấu hiệu thuận lợi. Thống kê cho thấy, tháng 7-2019, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đạt tăng trưởng dương với 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường nhập khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ðài Loan (Trung Quốc) đều có tăng trưởng dương. Nhất là mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt Nam thì có 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%. Ðiều này đang mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu cho toàn ngành tôm thời gian tới. Hay như đối với mặt hàng rau quả, cả người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu đều cần sớm nắm bắt và thực hiện ngay các quy định về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng... phù hợp yêu cầu của nước nhập khẩu. Phó Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Hòa cho biết: Thời gian tới, thương mại toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục suy giảm, giá xuất khẩu một số nông sản chủ lực vẫn còn xu hướng giảm. Do đó, vấn đề đặt ra cho quý IV là tập trung tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu gạo vào những thị trường trọng điểm như Trung Quốc. Ngành thủy sản cũng cần nhanh chóng giải quyết những vướng mắc về vấn đề thẻ vàng của EU cũng như các yêu cầu từ chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ (chương trình SIMP- yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát hoặc giả mạo xâm nhập thị trường Mỹ). Ðối với trái cây, tập trung mở cửa các thị trường mới như Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a…
Có thể thấy, những thách thức hiện hữu trong xuất khẩu nông sản của nước ta những tháng cuối năm 2019 chính là các quy định mới trong điều kiện nhập khẩu của nhiều thị trường. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tuân thủ các quy định mới như truy xuất nguồn gốc, gắn mã số vùng trồng, dán tem nhãn hàng hóa… trở thành yêu cầu sống còn để đưa hàng nông sản Việt ra thị trường thế giới.