Thúc đẩy thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số

Thanh toán điện tử được đánh giá là xu hướng tất yếu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là một trong những nền tảng để xây dựng nền kinh tế số và Chính phủ điện tử.

Xuất hiện tại Việt Nam từ hơn 10 năm trở lại đây, thanh toán điện tử đang từng bước chứng minh những lợi ích ưu việt như sự nhanh chóng, tiện dụng trong giao dịch, dễ dàng kiểm soát chi tiêu,…

Những năm qua, Chính phủ liên tục đề ra các chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của thanh toán điện tử, hướng tới xây dựng nền kinh tế số cũng như Chính phủ điện tử.

Khách hàng trải nghiệm mua sắm tại nhà qua VNPT Pay.

Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường ứng dụng thanh toán, ví điện tử nói riêng và công nghệ tài chính (fintech) nói chung tại Việt Nam. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các đơn vị trung gian thanh toán điện tử, tạo nên sự cạnh tranh cao cho "sân chơi" này.

Là một "đầu tàu" trong ngành viễn thông Việt Nam, tuy nhiên, VNPT có sự "chào sân" muộn hơn so với nhiều đơn vị khác trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Dẫu vậy, Hệ thống cổng thanh toán tập trung VNPT Pay của Tập đoàn Viễn thông VNPT vẫn biết cách khẳng định vị trí của mình bằng hệ sinh thái vững mạnh và ứng dụng công nghệ hiện đại trên thế giới.

VNPT Pay được ứng dụng công nghệ Big data kết hợp AI nhằm phân tích, đánh giá và giúp ngăn chặn tự động, kịp thời các giao dịch có dấu hiệu lừa đảo, gian lận tài chính (Fraud Detection). Từ đó giảm thiểu các gian lận, rủi ro trong thanh toán cho khách hàng.

Bên cạnh đó, công nghệ thanh toán không tiếp xúc (Contactless payment) như QR Code, NFC, Sonic giúp cho thao tác thanh toán của khách hàng trở nên dễ dàng nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn và bảo mật. Công nghệ này còn có ý nghĩa đặc biệt trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra. Thanh toán không tiếp xúc sẽ làm giảm tối đa nguy cơ bị lây nhiễm virus thông qua vật trung gian như tiền mặt hoặc thậm chí thẻ ngân hàng.

Khách hàng xem các chương trình khuyến mại qua VNPT Pay.

Sau hơn 3 năm triển khai, hiện đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán VNPT Pay, dòng tiền giao dịch của trong năm 2019 cao gấp 60 lần so với năm trước đó.

Không chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán trong mảng kinh tế số, VNPT còn định hướng phát triển giải pháp thanh toán cho lĩnh vực dịch vụ công, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Mới đây, VNPT Pay đã trở thành 1 trong 4 đơn vị được lựa chọn cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trên hệ thống Cổng Dịch vụ Công Quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn.

Theo đó, người dân có thể thanh toán phí, lệ phí của các dịch vụ công trực tuyến (như tiền điện, lệ phí nộp hồ sơ,…) bằng ví điện tử VNPT Pay và cổng thanh toán (thẻ, tài khoản ngân hàng nội địa, thẻ quốc tế của tất cả các ngân hàng).

Trước yêu cầu "phải có ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thanh toán không dùng tiền mặt" của Chính phủ, VNPT hiện đang đẩy mạnh các giải pháp cho vấn đề này. Dự kiến, Tập đoàn VNPT sẽ đưa khoảng hơn 1.000 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong năm 2020.

Song song với đó, VNPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với 53 UBND tỉnh, thành phố; triển khai các giải pháp Chính quyền điện tử cho 61/63 tỉnh thành phố. Cụ thể, VNPT Pay sẽ được tích hợp trong hệ thống thanh toán điện tử của các cơ sở giáo dục, y tế, hành chính công của các tỉnh thành.

Sự phát triển của thanh toán điện tử sẽ góp phần xây dựng nền kinh tế số và Chính phủ điện tử. Nhưng đây không chỉ là câu chuyện của các cơ quan quản lý nhà nước, mà nó còn đòi hỏi nỗ lực của các đơn vị doanh nghiệp liên quan.

Hy vọng đây sẽ là tiền đề để Việt Nam sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong kỷ nguyên số này.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuc-day-thanh-toan-dien-tu-trong-ky-nguyen-so-post74366.html