Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Những tháng đầu năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh. Điều này cho thấy thói quen thanh toán của người dân ngày càng chuyển biến rõ nét từ mua sắm truyền thống sang các hình thức không dùng tiền mặt.

Mua sắm không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến

Sau khi chọn mua một số hàng hóa ở Siêu thị Viet Y Mart tại phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang), bà Lê Thị Thu Trang (sống tại chung cư Mường Thanh Viễn Triều) rút thẻ ATM đưa cho nhân viên thu ngân để thanh toán. Đây đã trở thành thói quen của bà trong mấy năm qua. Bà Trang chỉ sử dụng tiền mặt khi đi chợ truyền thống, còn hầu hết hoạt động mua sắm bà đều thanh toán bằng thẻ ATM hoặc chuyển khoản vì sự an toàn, thuận tiện. Theo ông Lương Anh Trung - Phó Giám đốc Siêu thị Viet Y Mart, số lượng khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM, ví điện tử khi mua sắm tại siêu thị ngày càng nhiều, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch.

 Khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM tại một siêu thị ở Nha Trang.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM tại một siêu thị ở Nha Trang.

Trong thời gian gần đây, thói quen của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Ví điện tử Momo, Internet Banking, ATM, ứng dụng e-Mobile Banking… Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân, từ mua sắm tại siêu thị, cửa hàng thời trang đến chi trả dịch vụ tại nhà hàng, khách sạn… Ông Võ Đình Dũng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết, tỷ lệ khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng thường xuyên có chương trình khuyến mại như: Tích điểm, tặng quà, hoàn tiền khi mua sắm… nên khách hàng có xu hướng thanh toán qua thẻ nhiều hơn. Hiện nay, siêu thị đã liên kết với 3 ngân hàng để đặt máy POS và thanh toán khoản phí hàng tháng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh hơn, siêu thị kiến nghị các ngân hàng nên xem xét việc giảm phí thanh toán này cho các đơn vị đặt máy POS.

Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tăng

Việc triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công gồm: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả nhất định đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng. Thời gian qua, ngành Thuế đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại thực hiện tốt công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, kết nối trao đổi thông tin dữ liệu, nhờ đó đạt kết quả cao trong việc triển khai chương trình nộp thuế điện tử. Doanh số nộp thuế điện tử (qua ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khác) đạt hơn 96%. 100% thuế xuất nhập khẩu và các khoản thu phí, lệ phí hải quan đã thực hiện nộp qua ngân hàng. Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng thu hộ tiền điện với 16 ngân hàng thương mại và 10 đối tác khác. Năm 2021, doanh số thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán khác hơn 3.806 tỷ đồng, chiếm 90,2% trong tổng doanh thu tiền điện. Năm 2021, toàn tỉnh có 29.185 hộ thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng, tăng 13.057 hộ với 81% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã lắp đặt 7 máy POS tại các trường học, doanh số thanh toán tiền học phí qua ngân hàng cuối năm 2021 đạt khoảng 55,14 tỷ đồng với 12.650 món; lắp đặt 40 thiết bị chấp nhận thẻ POS tại các bệnh viện, tổng doanh số thanh toán viện phí qua ngân hàng đạt khoảng 20,8 tỷ đồng với 4.840 món, chủ yếu thu tiền khám sức khỏe công nhân viên của các doanh nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 86,6% người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng.

Tiếp tục phát triển

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Khánh Hòa, 5 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt hơn 2,33 triệu món với doanh số thanh toán 49.265 tỷ đồng, tăng khoảng 49% so với cùng kỳ năm trước; giao dịch thanh toán qua điện thoại di động ước đạt 13,47 triệu món, tăng 176,7%; doanh số thanh toán 146.484 tỷ đồng, tăng 252,3%; giao dịch qua ATM tăng nhanh về số giao dịch và giá trị giao dịch; giao dịch qua thiết bị POS ước đạt 1,3 triệu giao dịch, tăng 151,4%.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực dịch vụ công còn vướng mắc trong quá trình triển khai thanh toán trực tuyến như: Thanh toán tiền học phí, viện phí, tiền nước. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị và ngân hàng chưa đồng bộ. Việc trao đổi, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa ngân hàng với các bệnh viện, trường học còn hạn chế. Tâm lý người dân còn e ngại với giao dịch ngân hàng điện tử…

Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN chi nhánh Khánh Hòa cho biết, ngay từ đầu năm, chi nhánh đã ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh việc chuyển đổi số và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ngân hàng bằng nhiều giải pháp. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, phù hợp dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, bảo mật, thuận tiện cho người sử dụng; đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: Thanh toán qua QR code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử. Các ngân hàng tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip; phát triển, gia tăng chức năng tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ, đảm bảo an toàn trong thanh toán thẻ. Song song đó, các tổ chức tín dụng phối hợp kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử trong khu vực dân cư, khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Đồng thời, thực hiện các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn hợp lý; nâng cao nhận thức của khách hàng trước rủi ro an ninh mạng, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng; chủ động áp dụng các hình thức cảnh báo kịp thời, hiệu quả tới khách hàng…

MAI HOÀNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/taichinh-nganhang/202206/thuc-day-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-8254571/