Thúc đẩy thể thao học đường
Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu mỗi học sinh biết chơi ít nhất một môn thể thao. Để hoàn thành mục tiêu đó, các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động phong trào, sân chơi thể dục thể thao nhằm rèn luyện thể lực, phát triển năng khiếu cho học sinh.
Đa dạng sân chơi
Dù dành phần lớn thời gian cho việc học ở năm cuối cấp THPT, nhưng Đinh Anh Quân, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1) vẫn duy trì tập luyện thể dục thể thao (TDTT) vào hai ngày cuối tuần. Nam sinh này cho biết, em cố gắng cân bằng giữa việc học và tập luyện TDTT để có sức khỏe cũng như trạng thái tinh thần tốt nhất. Tương tự, với Nguyễn Phan Bảo Nhi, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao (quận 1), tập luyện TDTT là một trong những cách giúp em giảm căng thẳng trong việc học, đồng thời gia tăng kết nối với bạn bè và có nền tảng thể lực tốt hơn.
Theo bà Phạm Thị Gái, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền (quận 3), hiện nay hầu hết các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TPHCM đều duy trì hoạt động tập thể dục vào giờ ra chơi. Bên cạnh đó, trong chương trình giáo dục nhà trường, nhiều môn học thể dục tự chọn như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, võ thuật… được lồng ghép nhằm giúp học sinh có thêm điều kiện tiếp cận và tập luyện các môn TDTT. Tại Trường Tiểu học Trương Quyền, sau giờ học chính khóa, nhà trường tổ chức các câu lạc bộ năng khiếu theo sở thích và nguyện vọng đăng ký của học sinh.
“Từ học kỳ 2 năm học 2024-2025, chúng tôi đưa thêm hoạt động sân tập môn pickleball để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Hiện nay, các câu lạc bộ năng khiếu mở rộng khung giờ hoạt động vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần để học sinh có thêm điều kiện tập luyện TDTT”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền thông tin.
Thầy Nguyễn Trường Thọ, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), chia sẻ, ban đầu nhiều học sinh không sắp xếp được thời gian tập luyện TDTT do việc học chiếm hầu hết thời gian trong ngày của các em. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, tạo điều kiện của nhà trường và các thầy, cô giáo, học sinh ngày càng được tiếp cận nhiều môn TDTT. Khi việc tập luyện trở thành thói quen, sức khỏe của các em sẽ được cải thiện, thể lực và trí lực được duy trì ở trạng thái tốt hơn, giúp việc học trở nên hiệu quả.
Một trong 10 dấu ấn nổi bật của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM trong năm 2024 là duy trì thành tích 10 kỳ liên tiếp giữ vững ngôi vị đầu bảng xếp hạng Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức dành cho học sinh phổ thông. Tại TPHCM, tuy còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện sân bãi, phòng ốc nhưng các trường học đã chủ động, sáng tạo trong việc tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận, tham gia thi đấu các bộ môn TDTT nhằm giúp các em duy trì nền tảng thể lực tốt nhất, hoàn thành mục tiêu mỗi học sinh biết chơi ít nhất một môn TDTT và đẩy mạnh phong trào TDTT trong trường học.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM NGUYỄN VĂN HIẾU
Phối hợp giữa nhà trường và gia đình
Để khắc phục hạn chế về điều kiện sân bãi và dụng cụ tập luyện TDTT cho học sinh, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh đã linh hoạt bố trí nhiều khung thời gian, chia khu vực tập luyện, qua đó giúp học sinh toàn trường đều được tham gia các môn TDTT. Cùng với đó, các giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất đã sáng tạo dụng cụ tập luyện bằng vật liệu thay thế, như làm khung thành sân bóng đá từ ống nhựa, thay thế bao cát cố định bằng bao cát di động để học sinh tập luyện môn võ thuật…
Thầy Nguyễn Trường Thọ cho biết, bản thân là một vận động viên với bề dày thành tích ở các đấu trường khu vực và thế giới, thầy muốn lan tỏa tinh thần say mê tập luyện TDTT cho học sinh trong trường. Tận dụng những khoảng thời gian trống như giờ ra chơi, sau khi kết thúc giờ học, thầy và trò lại cùng nhau tập luyện cho các hội thi TDTT cấp trường; qua đó phát triển đam mê, sở thích cho học sinh, đồng thời phát hiện những học sinh có năng khiếu để tuyển chọn vào đội tuyển tham gia các giải đấu cấp quận và thành phố.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền Nguyễn Thị Gái cho rằng, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển các hoạt động TDTT nói riêng, hoạt động năng khiếu nói chung trong trường học. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm là cầu nối cần thiết giúp cha mẹ học sinh có thể đồng hành với nhà trường trong việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động phong trào, giải thi đấu TDTT, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện không chỉ kiến thức mà cả năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Song song đó, phong trào tập luyện TDTT không chỉ hướng đến học sinh mà còn cần lan tỏa trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường; bởi chỉ khi các thầy, cô giáo xây dựng được thói quen tập luyện TDTT, có trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt nhất thì mới truyền được “lửa” đam mê cho học sinh.
TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức khảo sát năng lực để tuyển sinh vào lớp 6
Ngày 7-1, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức (TPHCM) thông báo về việc tiếp tục tổ chức khảo sát năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2025-2026 tại 3 trường THCS trên địa bàn: THCS Trần Quốc Toản 1, THCS Hoa Lư, THCS Bình Thọ. Việc xét tuyển được thực hiện theo hình thức xét duyệt hồ sơ đăng ký và làm bài khảo sát đánh giá năng lực học sinh. Các trường THCS tổ chức khảo sát trong cùng một ngày, chung đề khảo sát. Học sinh dự khảo sát vào trường nào thì sẽ liên hệ nộp hồ sơ đăng ký tại trường đó và chỉ được nộp hồ sơ tại 1 trường duy nhất. Đối tượng dự tuyển là tất cả học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học, có nguyện vọng vào học lớp 6 trên địa bàn TP Thủ Đức, có điểm trung bình cuối năm môn Toán, tiếng Việt đạt từ 9,0 trở lên.
Bài khảo sát năng lực được thực hiện trong 90 phút, gồm 2 phần: Phần trắc nghiệm 20 câu hỏi bằng tiếng Anh về sự hiểu biết khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thường thức đời sống; Phần tự luận gồm khảo sát năng lực tiếng Anh (đọc hiểu, viết bằng tiếng Anh), năng lực toán học và tư duy logic bằng tiếng Việt, năng lực đọc hiểu và làm văn bằng tiếng Việt. Thời gian khảo sát dự kiến diễn ra vào giữa tháng 6-2025. Học sinh trúng tuyển là những học sinh thực hiện đầy đủ bài khảo sát, đúng quy định và không có phần nào bị điểm 0. Điểm xét tuyển là tổng điểm các phần của bài khảo sát.
Dự kiến Trường THCS Trần Quốc Toản 1 tuyển 9 lớp 6 với 315 học sinh; Trường THCS Hoa Lư tuyển 7 lớp 6 với 245 học sinh; Trường THCS Bình Thọ tuyển 8 lớp 6 với 280 học sinh.
THU TÂM
20 dự án vào chung kết cuộc thi: “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”
Hôm nay (8-1), tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (quận Bình Thạnh, TPHCM), 20 dự án vào vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp thành phố năm học 2024-2025 sẽ bước vào các vòng tranh tài sôi nổi để tìm ra những dự án xuất sắc nhất, đại diện TPHCM tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Năm nay, vòng chung kết cấp thành phố có sự tham gia tranh tài của học sinh đến từ các trường THCS, THPT công lập và ngoài công lập. Trong đó, nhiều dự án nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc tạo ra các sản phẩm giúp ích cho đời sống con người, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa dân gian, du lịch, phát triển nông nghiệp...
MINH QUÂN
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuc-day-the-thao-hoc-duong-post776778.html