Thúc đẩy thương mại thông qua cải cách thủ tục hải quan

Những bước cải cách quan trọng của cơ quan hải quan, đặc biệt trong kiểm tra chuyên ngành đã hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu ‐ một trong những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm Việt Nam có tới 13 ‐ 14 triệu tờ khai xuất nhập khẩu và khoảng 20 ‐ 21 triệu tờ khai thương mại điện tử. Khối lượng công việc khổng lồ đó ngày càng trở thành nhiệm vụ nặng nề của cơ quan hải quan, trong bối cảnh cần tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, thúc đẩy thương mại phát triển. Đặc biệt là trong vấn đề hợp lý hóa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung vào cải cách kiểm tra chuyên ngành và đạt được hiệu quả rõ rệt.

Theo đó, kể từ năm 2018 đến nay, qua 5 đợt rà soát các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành và có những cải cách cần thiết. Số lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể, tạo thuận lợi cho thương mại và tiết kiệm cho doanh nghiệp cả thời gian lẫn tiền bạc. Cụ thể, tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ 30% năm 2015 giảm xuống còn 19% vào năm 2022.

Việc cắt giảm thủ tục cũng được thực hiện tối đa để giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Đơn cử như trong lĩnh vực thực phẩm, nếu năm 2019 có tới 1.446 mã HS (mã số phân loại hàng hóa) thì đến năm 2021 giảm chỉ còn 1.015 mã và tiếp tục cắt giảm còn 445 mã vào năm 2022.

Ngành Hải quan đã có những bước cải cách rất quan trọng nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngành Hải quan đã có những bước cải cách rất quan trọng nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cơ quan hải quan đã có những bước cải cách rất quan trọng nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu ‐ một trong những động lực phát triển kinh tế. Mục tiêu cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy hiệu quả và sự hài lòng làm thước đo đánh giả chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi..., chính là đòn bẩy tạo thuận lợi cho doanh nghiệp góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút "làn sóng" đầu tư.

Chủ trương thì dễ nhưng thực tế rất khó

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, quá trình theo dõi cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại của các bộ ngành, nhất là hải quan có thể thấy sự chuyển biến rõ rệt trước và sau năm 2015. Từ năm 2015 đến nay, việc kiểm tra chuyên ngành từng bước được cải thiện thông qua cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành hoặc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm...

Điều này đã đem lại thuận lợi vô cùng lớn cho doanh nghiệp trong cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm chi phí lưu kho, bãi... Số tiền phí lưu kho tại cảng đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành năm 2019 giảm được ít nhất là 189 tỷ đồng so với năm 2015. Mức giảm chi phí thực tế còn nhiều hơn vì hàng hóa kiểm tra sau thông quan, kiểm tra giảm hoặc miễn kiểm tra thì hàng hóa không phải lưu kho tại cảng quá hạn.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đồng bộ

Thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, theo Quyết định số 628/QĐ‐TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, ổn định, cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, phù hợp các chuẩn mực quốc tế; đồng thời bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là những mục tiêu cải cách trọng yếu mà cơ quan hải quan cần nỗ lực hoàn thành sớm, tạo tiền đề pháp lý cho các hoạt động hiện đại hóa và cải cách hải quan.

Ông Claudio Dordi - Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại, do USAID tài trợ nhận xét, cam kết cải cách của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong Hiệp định TFA (tạo thuận lợi thương mại) của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức với ngành Hải quan khi sự phát triển về thương mại điện tử, sự gia tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu, khối lượng công việc của cơ quan hải quan ngày càng tăng. Cơ quan hải quan phải áp dụng các hình thức quản lý mới nhằm ngăn chặn gian lận thương mại ngày càng tinh vi những cũng phải tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật...

Ông Claudio Dordi cũng cho rằng, chủ trương tạo thuận lợi thương mại nghe thì dễ nhưng để triển khai trong thực tế rất khó, vì các bộ, ngành là đơn vị ban hành chính sách, còn hải quan chỉ là đơn vị thực thi chính sách. Phía hải quan đã chủ động hiện đại hóa, đơn giản hóa quy trình làm việc nhưng có rất nhiều quy định, quy chế ràng buộc.

Việc tiếp theo cần làm vẫn là tích cực rà soát, cắt giảm, bãi bỏ các quy định chồng chéo giữa các bộ, ngành và trong từng bộ, ngành. Các cơ quan, đơn vị kiểm tra chuyên ngành của các bộ cần có cơ chế để giải quyết các vướng mắc phát sinh nhanh chóng, tránh kéo dài thời gian, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là hai lĩnh vực y tế và nông nghiệp hiện đang có nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành nhất hiện nay.

Cùng với đó, cơ quan hải quan địa phương cũng nâng cao năng lực thực thi; đẩy mạnh kiểm soát thủ tục hành chính, bãi bỏ các quy định không cần thiết; đơn giản hóa, số hóa các quy trình để thuận lợi cho việc quản lý, giám sát./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-day-thuong-mai-thong-qua-cai-cach-thu-tuc-hai-quan-124679-124679.html