Thúc đẩy tiềm lực doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam cần được hỗ trợ để vượt qua thách thức và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung.
Sức mạnh của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện nay Việt Nam có gần 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, các DNNVV chiếm đến 98%. Các DNNVV là nhân tố quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế.
Những doanh nghiệp này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống người dân mà còn là nơi xuất phát của nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, giúp ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, DNNVV đang giải quyết việc làm cho khoảng 36% lực lượng lao động, thu hút 32% tổng nguồn vốn, và tạo ra doanh thu chiếm 26% tổng doanh thu thuần của khối doanh nghiệp. Từ đó có thể thấy, DNNVV giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu.
Đặc biệt, các DNNVV đã chiếm lĩnh phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, hải sản, may mặc, và giày dép.
Thực tế cho thấy, 90% số doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước là DNNVV. Tuy nhiên, dù chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng, những doanh nghiệp này vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chỉ ra rằng, với số vốn và nguồn lực hạn chế, các DNNVV dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, nhất là trong các ngành như dệt may và da giày.
Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Trước những thách thức này, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa vào năm 2017, chính thức có hiệu lực từ năm 2018, nhằm tạo ra khung pháp lý hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp quan trọng này.
Luật đã đưa ra nhiều chính sách thiết thực như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng, ưu đãi về thuế, hỗ trợ công nghệ, và mở rộng thị trường. Các chính sách này nhằm giúp DNNVV vượt qua các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia.
Bên cạnh đó, Cục Phát triển Doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã triển khai một số chương trình hỗ trợ cụ thể như: hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ tham gia vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Những chương trình này nhằm mục tiêu tăng cường năng lực cho các DNNVV, giúp họ tiếp cận với các nguồn lực và công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 7/2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, một bước tiến quan trọng đã được đánh dấu khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng bàOh Youngju - Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển DNNVV và khởi nghiệp.
Mới đây, tại Hà Nội bộ trưởng hai nước đã tổ chức Cuộc họp lần thứ Nhất Ủy ban Hợp tác về DNNVV và khởi nghiệp.
Hợp tác này không chỉ mở ra cơ hội mới cho các DNNVV Việt Nam trong việc tiếp cận công nghệ và thị trường quốc tế, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt học hỏi từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, quốc gia nổi tiếng với sự thành công của các DNNVV.
Hàn Quốc có nhiều tập đoàn lớn như Samsung hay LG, vốn khởi đầu từ những DNNVV. Đây là bài học quý báu cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển các DNNVV. Sự hợp tác này hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các DNNVV của Việt Nam cũng đang từng bước chủ động trong việc áp dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo, giúp họ tham gia vào các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là với các đối tác Hàn Quốc.