Thúc đẩy tiến độ các dự án cao tốc phía Nam

Hiện tại, các dự án cao tốc phía Nam là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cầu Mỹ Thuận 2 đang được Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu đưa dự án trọng điểm quốc gia hoàn thành, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của 'mảnh đất chín rồng'…

Bắt kịp tiến độ theo hợp đồng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) hiện nay còn chậm so với tiến độ đề ra. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 khẳng định, với phương pháp tổ chức, chuẩn bị và khắc phục một số tồn tại, trong thời gian tới đây sẽ bắt kịp tiến độ và hoàn thành theo hợp đồng.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang vượt tiến độ.

Sản lượng theo tiến độ cam kết với Bộ GTVT của dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hết năm 2021 phải đạt 1.583 tỷ đồng (chiếm 26,11%) giá trị hợp đồng. Đến nay, đã thực hiện 1.235,5 tỷ đồng (chậm 20,37% so với hợp đồng) và chậm 20,71% so với kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở Bình Thuận bùng phát mạnh trở lại, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đất đắp còn chậm. Nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất, công tác đắp nền đường mặc dù đã có tiến triển nhưng vẫn còn chậm ở tất cả các gói thầu, chỉ đạt 72% so với kế hoạch đề ra (2,5/3,31 triệu m3). Mặt khác, nhà thầu mới nộp hồ sơ cấp phép của 5/10 mỏ đề nghị cấp theo Nghị quyết số 60/NQ-CP, Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ, nguyên nhân chính là nhà thầu và các chủ đất chưa đạt được thỏa thuận về tài chính, hợp tác đầu tư.

Các đơn vị thi công chưa quyết liệt ở các hạng mục thi công nền, đúc dầm, kết cấu cầu. Đặc biệt, có tình trạng thiếu hụt tài chính ở một số nhà thầu, mũi thi công dẫn đến tình trạng chậm cung cấp vật tư, vật liệu, thanh toán lương nhân công chưa đầy đủ. Cụ thể, công tác huy động mũi thi công chỉ đạt 92/97 mũi so với yêu cầu (yêu cầu tăng 30 mũi thi công nhưng đến nay mới bổ sung được 25 (gói thầu XL01, XL02, XL04 còn thiếu). Một số mũi thi công cầu chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà thầu như Vinaconex, Vinaconex E&C, Cienco 8, Nhạc Sơn.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án 7 đang tiếp tục chỉ đạo nhà thầu khẩn trương thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành địa phương trong quá trình thực hiện để kịp thời cung cấp bổ sung hồ sơ, giải quyết các vướng mắc, phát sinh cũng như rà soát nhu cầu vật liệu còn lại của gói thầu; hoàn tất thủ tục cấp phép với các mỏ đang làm thủ tục cũng như các mỏ đang cấp phép theo cơ chế đặc thủ của Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021. Nhà thầu phải cử lãnh đạo thường trực tại công trường để kịp thời chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công; xác định rõ được các mốc đường găng đẩy nhanh tiến độ thi công; đảm bảo dòng tiền tới công trình một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, kịp thời. Hàng tuần, Ban Quản lý dự án 7 sẽ họp kiểm điểm và đánh giá tiến độ thực hiện để thúc các nhà thầu thi công chậm tiến độ để bắt kịp tiến độ theo hợp đồng...

Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 đang vượt tiến độ

Một dự án trọng điểm khác là dự án Cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài dự án khoảng 6,61km, trong đó: cầu chính dài 1,906Km, đường dẫn và cầu trên tuyến dài 4,704 Km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, đã khởi công năm 2020, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 cho biết, 2 gói thầu đạt tiến độ là: Gói XL.02 thi công đường dẫn cầu phía Tiền Giang đoạn Km 104+190÷ Km 105+454 (bao gồm cầu Mỹ Hưng), cầu dẫn phía Tiền Giang (bao gồm 14 nhịp Super T và toàn bộ kết cấu phần dưới từ mố M0 đến trụ T13); Gói XL.03B thi công thân trụ (từ T14 đến trụ T17) và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng; kè gia cố bờ sông, hệ thống an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, hệ thống điện chiếu sáng.

2 gói thầu vượt tiến độ là: Gói XL.03A thi công cọc khoan nhồi và bệ các trụ nhịp chính dây văng từ trụ T14 đến trụ T17 (bao gồm điều tiết đảm bảo ATGT thủy trong thời gian thi công); Gói XL.04 thi công cầu dẫn phía Vĩnh Long (bao gồm 03 nhịp đúc hẫng, 14 nhịp Super T và toàn bộ kết cấu phần dưới từ trụ T18 đến mố M34); đường dẫn phía Vĩnh Long đoạn Km107+356÷Km107+740.

Còn Gói XL.01 thi công đường dẫn phía Tiền Giang đoạn Km101+126÷Km104+190 (bao gồm cầu Rạch Sơn, An Hữu và cầu Cạn) đang đốc tiến độ để bắt kịp tiến độ chung toàn dự án.

Theo Ban Quản lý dự án 7, toàn bộ dự án đã chi trả tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 501/501 hộ dân (đạt 100%), đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Các địa phương Tiền Giang, Vĩnh Long cũng thực hiện chi trả GPMB cho 100% hộ dân và cơ bản xây dựng xong khu tái định cư.

Tuy nhiên, tại Vĩnh Long, phần GPMB bổ sung phục vụ thi công đường tạm Tân Phú, có 25 hộ dân bị ảnh hưởng, địa phương đã đo vẽ hiện trạng xong, đang trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường và dự kiến chi trả cho các hộ dân, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong quý I/2022. Tại Tiền Giang, công tác di dời di dời đường dây cao thế chậm.

Tính tổng khối lượng thực hiện, dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng giá trị xây lắp hơn 1.477 tỷ đồng đạt 46,27%, vượt tiến độ khoảng hơn 0,72%. Tổng giá trị giải ngân xây lắp hơn 1.847,57 tỷ đồng đạt hơn 57,8% (vượt hơn 244,8 tỷ đồng so với kế hoạch). Giải ngân hơn 1.315 tỷ đồng so với kế hoạch đã đăng ký vượt khoảng hơn 214 tỷ đồng (hơn 18,6%). Trong tháng 1/2022, dự án sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được bố trí.

Ban Quản lý dự án 7 đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan sớm giải quyết dứt điểm để bàn giao cho nhà thầu trong tháng 1/2022. Đối với Gói XL.01 cần thúc tiến độ do vướng mặt bằng khu vực cầu An Hữu, cầu Rạch Sơn và đoạn tuyến từ Km 101+500 – Km 101+574, sau khi đã giải quyết được khâu GPMB thì thời gian gia tải dự kiến khoảng 8 tháng nên kiến nghị Bộ GTVT gia hạn hợp đồng Gói XL.01 thêm khoảng 8 tháng. Kiến nghị Bộ GTVT cho phép điều chuyển khối lượng Gói XL.02, XL.04 sang Gói XL.03B để hoàn thành gói thầu theo thời gian trong hợp đồng.

Những điểm sáng giải ngân của ngành Giao thông vận tải
trong năm 2021

Tính đến hết tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được gần 37.171 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch (gồm hơn 33.800 tỷ vốn trong nước và hơn 3.350 tỷ đồng). Đến hết tháng 1/2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục giải ngân tối thiểu hơn 4.400 tỷ đồng để phấn đấu kết quả giải ngân đạt tối thiểu 96%, đáp ứng mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 63 của Chính phủ. 10 chủ đầu tư có kết quả giải ngân tốt nhất từ đầu năm đến hết tháng 12/2021. 5 đơn vị đã đạt kết quả giải ngân 100% kế hoạch, gồm: Ban Quản lý dự án Hàng hải (122 tỷ đồng), Sở Giao thông vận tải Thái Bình (300 tỷ đồng, dự án Quốc lộ 37 và cầu Sông Hóa); Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông

nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (275 tỷ đồng, dự án tránh phía TP. Buôn Ma Thuột); Sở Giao thông vận tải Hải Phòng (2.030 tỷ đồng, Quốc lộ 37 qua Hải Phòng), Sở Giao thông vận tải Hải Dương (210 tỷ đồng, Quốc lộ 37 qua Hải Dương). Ban Quản lý dự án Thăng Long dù được phân bổ khối lượng giải ngân lớn bậc nhất ngành giao thông (chiếm hơn 19% kế hoạch vốn của Bộ Giao thông vận tải), song, tính đến hết tháng 12/2021, lũy kế giải ngân của đơn vị này đã đạt hơn 7.900 tỷ đồng, đạt 95,3%.

Các đơn vị khác có kết quả giải ngân cao, đạt trên 90%, gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam (lũy kế giải ngân 1.409 tỷ đồng, đạt 94,7%, đến hết tháng 1/2022 đạt 100%), Ban Quản lý dự án Đường sắt, lũy kế giải ngân hơn 3.300 tỷ đồng, đạt gần 94%, đến hết tháng 1/2022 đạt 100%), Ban Quản lý dự án 6 lũy kế giải ngân 1.866 tỷ đồng, đạt 92,8%, đến hết tháng 1/2022 đạt 100%...

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-day-tien-do-cac-du-an-cao-toc-phia-nam-99606.html