Thúc đẩy tiến trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam

Thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước là một trong những phương thức để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đây là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và là một trong ba trụ cột của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm sắp xếp lại, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Dù đã đạt được những kết quả nhất định, song nhìn chung tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước còn chậm, cần nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc.

Khung pháp lý cho thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước

Giai đoạn 2011 – 2015

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 69 nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị liên quan đến thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Trong đó, có 21 văn bản về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của DN nhà nước (DNNN); 34 văn bản về sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại DN; 14 Điều lệ tổ chức, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; Cùng với đó, các bộ đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách.

Mục tiêu định hướng các DN hoạt động theo cơ chế thị trường cũng được nhấn mạnh, đặc biệt là từ Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DN và DN có vốn nhà nước.

Hình thức thực hiện CPH cũng đa dạng hơn, phù hợp với những yêu cầu và bối cảnh của nền kinh tế trong từng thời kỳ. Các nội dung này được quy định tại: Quyết định số 929/QĐ-TTg phê duyệt đề án “tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, giai đoạn 2011-2015”; Quyết định số 37/2014/QĐTTg “ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN” nhằm đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới các DNNN hiện có; Nghị định số 116/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về bán cổ phần theo lô…

Giai đoạn 2016 đến nay

Năm 2016, Chính phủ đề ra nhiệm vụ là cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tái cơ cấu DNNN cho phù hợp với các luật mới ban hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát DN. Ngày 28/12/2016, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020. Trong năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã triển khai quyết liệt tái cơ cấu DNNN và đạt được những kết quả tích cực.

Ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Ngày 25/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 – 2020”. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định như: Quyết định số 707/QĐ-TTg làm cơ sở để thực hiện cơ cấu lại các DNNN trong giai đoạn tới; Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn gia đoạn 2017-2020.

Năm 2018, năm 2019 một số văn bản được ban hành nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN như: Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/2/2018 về thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN, Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 04/5/2018 và Thông tư số 41/2018/TT-BTC ngày 04/5/2018, Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về phê duyệt Danh mục DN thực hiện CPH đến hết năm 2020… Đáng chú ý ngày 29/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg về phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Nhìn lại quá trình CPH, thoái vốn tại các DNNN từ năm 2011 đến nay, có thể thấy, càng về sau, tiến độ thực hiện CPH có những bước tiến mạnh mẽ hơn. Các quy định pháp lý quan trọng về CPH càng đóng vai trò động lực thúc đẩy việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Kết quả thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

Giai đoạn 2011 – 2015

Năm 2015, số vốn thoái được trên phạm vi cả nước đạt 9.924 tỷ đồng, thu về 15.004 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng là 4.418 tỷ đồng, thu về 4.956 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 5.506 tỷ đồng, thu về 10.048 tỷ đồng, qua đó, nâng tổng số vốn thoái được giai đoạn 2011 – 2015 lên 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách. Trong đó, thoái vốn đầu tư ngoài ngành (chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) là 9.835 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch, thu về 11.086 tỷ đồng (bằng 1,1 lần giá trị sổ sách); chuyển nhượng vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ 16.387 tỷ đồng, thu về 25.451 tỷ đồng (bằng 1,6 lần giá trị sổ sách).

Quá trình thoái vốn DNNN gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường không thuận lợi, việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Có thể thấy, tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt vốn nhà nước tại các công ty cổ phần đã được đẩy nhanh nhưng số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng vẫn còn 58% tổng số vốn phải thoái.

Giai đoạn 2016 đến nay

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 4/2020, đã có 174 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 174 DN đã CPH chỉ có 36/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 4/2020 cụ thể như sau: Thoái 25.172 tỷ đồng, thu về 171.865 tỷ đồng. Trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 98 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.788 tỷ đồng, thu về 9.206 tỷ đồng. Việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, các đơn vị còn nhiều DN phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định này với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng còn phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần; TP. Hà Nội còn phải thoái vốn tại 31/34 DN.

Ngày 29/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 DN. Ngoài ra, có 4 DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn trước ngày 30/11/2020; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12/2020.

Cả 4 DN này đều là các tổng công ty xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, gồm: Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần, Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty Cổ phần, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO). Bên cạnh đó, có 14 DN chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trước 31/8.

Một số DN nổi bật là Tổng công ty Cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương), Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhập khẩu Tổng hợp (Bộ Công Thương), Công ty Cổ phần Nông thổ sản Việt Nam (Bộ Công Thương), Tổng Công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Bộ Công Thương), Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)…

Việc thoái vốn của các DN thuộc: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước; Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam và các DN chưa được liệt kê tại Quyết định này thực hiện theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng việc thực hiện thoái vốn, tái cơ cấu DNNN vẫn còn chậm, chưa như mong đợi. Số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 93 DN. Trong đó, có nhiều DN lớn như: Agribank, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV - công ty mẹ), Tập đoàn Bưu chính - viễn thông Việt Nam (VNPT - công ty mẹ), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (công ty mẹ), Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (Saigoncons), Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng công ty Bến Thành (BenthanhGroup), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist)...

Thực trạng thoái vốn cho thấy, tiến độ thoái vốn nhà nước tại các DNNN còn chậm, tỷ lệ thoái vốn thấp, nhất là các DNNN có quy mô lớn chậm thoái vốn…

Nguyên nhân chậm thoái vốn

Có thể chỉ ra những nguyên nhân cơ bản khiến việc thực hiện chủ trương thoái vốn tại các DNNN chưa đạt yêu cầu đề ra gồm:

Thứ nhất, vướng mắc về thể chế, chính sách. Cơ bản, cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DN đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số bộ, ngành, địa phương gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn do việc rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn để tháo gỡ chưa kịp thời. Đồng thời, các quy định về CPH, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn... nên cần nhiều thời gian triển khai thực hiện.

Thứ hai, vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện CPH, thoái vốn. Theo quy định, các DN CPH phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định CPH. Tuy nhiên, nhiều DN CPH, thoái vốn trong giai đoạn này có quy mô lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị DN, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Vì vậy, các DN muốn thuê tư vấn không được, vì chưa xong phương án sử dụng đất.

Thứ ba, vướng mắc trong việc định giá DN. Một số DN thời gian từ thời điểm xác định giá trị DN đến đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ dài hơn 18 tháng. Do đó, các DN sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn IPO và không phải điều chỉnh lại giá trị DN; Cần có thời gian xin ý kiến về không điều chỉnh giá trị sổ sách… Chất lượng định giá DN của nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ thẩm định giá trị có độ tin cậy thấp. Mặt khác, quy chế lựa chọn, giám sát hoạt động tư vấn và xác định giá trị DN chưa được quy định rõ, chưa gắn trách nhiệm của tổ chức tư vấn, định giá với việc bán cổ phần.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, việc bán vốn nhà nước tại các công ty cổ phần chưa niêm yết được thực hiện theo trình tự 3 bước: Đấu giá công khai, đấu giá không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh và chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Theo quy định, giá khởi điểm sẽ không thay đổi trong quá trình triển khai 3 bước (trừ khi chứng thư thẩm định giá đã quá thời hạn). Trong trường hợp bán không thành công, giá khởi điểm xác định lại theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP thông thường không thay đổi nhiều (cao, thấp hơn) so với giá những lần bán không thành công trước đây. Vì vậy, việc bán vốn tại DN khó có khả năng thành công.

Thứ tư, quy mô thị trường chứng khoán trong nước còn chưa đủ lớn khiến khả năng hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà DNNN thực hiện CPH, thoái vốn trong một khoảng thời gian nhất định gặp khó khăn. Mặt khác, thị trường phát triển chưa bền vững nên giá cổ phiếu trên thị trường tăng giảm bất thường, dẫn đến khó khăn cho việc CPH, thoái vốn…

Thứ năm, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước... Vẫn có những người vừa làm vừa sợ trách nhiệm. Còn có tình trạng trông chờ cơ chế thật rõ ràng mới làm, mượn lý do vướng mắc cơ chế, kiến nghị sửa cơ chế, để kéo dài việc sắp xếp, đổi mới DN.

Giải pháp đẩy nhanh tiến trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp

Để đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại DNNN trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung quy định để mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác như đấu giá thông thường, hoặc bán cả lô vốn nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết nhưng không thấp hơn biên độ giá giao dịch tại thời điểm bán; quy định về định giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn niêm yết.

- Ban hành quy định về xử lý đất đai đối với DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao.

- Cho phép DNNN thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.

- Thực hiện các quy định mới, đặc biệt là việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong DN Việt Nam (bao gồm cả vốn có quyền biểu quyết và vốn không có quyền biểu quyết)

- Tiếp tục thúc đẩy việc tách biệt chức năng sở hữu DNNN với chức năng quản lý nhà nước.

- Nhận thức lại vai trò chủ đạo của DNNN, trong đó DNNN sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, ngành mũi nhọn, cần vốn lớn, đòi hỏi công nghệ tiên tiến, hiện đại, những lĩnh vực mà tư nhân không thể làm được hoặc không muốn làm, những ngành, lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến an ninh - quốc phòng. Như vậy, những ngành, lĩnh vực tư nhân có thể làm được, cần dứt khoát thoái vốn, thậm chí kể cả các dự án đang có lợi nhuận để dành nguồn lực vào các lĩnh vực cần thiết hơn đối với vai trò của DNNN.

Hai là, rà soát diện tích đất của các DNNN, hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của DN, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của DN sau CPH, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án CPH DN; trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật đất đai về thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai.

Ba là, gia tăng minh bạch, tính cạnh tranh để nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tăng cường kiểm tra hoạt động huy động và sử dụng vốn, xử lý nghiêm các trường hợp tăng vốn ảo, nhất là với các trường hợp trước khi trở thành công ty đại chúng và đưa cổ phiếu lên sàn. Nới room, đa dạng các sản phẩm phái sinh cũng là yếu tố cần thiết để thu hút thêm các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Bên cạnh đó, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được giảm bớt. Các DN đã CPH thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; thực hiện bàn giao các DN thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.

Bốn là, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, CPH, tái cơ cấu DN đã được phê duyệt.

Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Các bộ, ngành tập trung trình các cấp có thẩm quyền các đề án, chính sách với các nội dung chính gồm các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực được phân công; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, CPH, thoái vốn đối với các DNNN; thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các DN; xây dựng báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và CPH DNNN. Hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN chịu trách nhiệm đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện phương án CPH, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt.

Năm là, xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Ban lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, triển khai phương án cơ cấu lại DNNN trên toàn bộ các lĩnh vực; Thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ.

Cần xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Gắn kết quả của việc thực hiện tái cơ cấu DNNN với người đứng đầu, tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.

Sáu là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán. Cần quan tâm đến công tác này không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn; kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật về phá sản DN có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập DN; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong DNNN thực hiện sắp xếp, đổi mới.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Nghị quyết số 60/2018/NQ-QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;

2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020;

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 908/QĐ-TTg ngày 29/06/2020 phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020;

4. Bộ Tài chính, Báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ngày 16/10/2019);

5. Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (2016), Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước năm 2016 và thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

6. Đặng Quyết Tiến (2016), Giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 – 2020;

7. Phạm Thị Vân Anh (2018), Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2018;

8. Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước;

9. Thanh Trang, Hết năm 2020 phải cổ phần hóa theo kế hoạch 92 doanh nghiệp Nhà nước https://www.sav.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin. aspx?ItemID=37658&l=TinTucSuKien.

TS. Phạm Thị Vân Anh – Khoa Tài chính Doanh nghiệp Học viện Tài chính

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 7/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuc-day-tien-trinh-thoai-von-nha-nuoc-tai-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-o-viet-nam-329994.html