Thúc đẩy tiết kiệm điện thực chất: Nhìn từ hai phía cung - cầu; Bài 2: Điện mặt trời mái nhà cần được khuyến khích
Để bảo đảm cung cấp điện phục vụ cho nền kinh tế, đặc biệt cho miền Bắc, giải pháp gốc rễ là phát triển các dự án về nguồn cung điện; khẩn trương xây dựng đường dây truyền tải; đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các hợp đồng nhập khẩu điện...
Nhưng đây đều là các vấn đề không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Trong bối cảnh này, việc thúc đẩy mô hình điện mặt trời mái nhà được đánh giá là giải pháp nhanh, hiệu quả để ứng phó với tình trạng thiếu điện.
Có điện mặt trời mái nhà không lo thiếu điện
Đợt cắt điện tháng 5, tháng 6 vừa qua đã làm cho sinh hoạt của nhiều gia đình tại khu vực miền Bắc bị đảo lộn. Nhưng gia đình ông Mai Đình Đoài, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định không rơi vào tình cảnh này. Bởi gia đình ông đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà vào năm 2020 với chi phí 75 triệu đồng cho công suất 5kW. Với sản lượng điện trung bình tháng khoảng 600kWh, gia đình ông có thể dùng đầy đủ các loại quạt điện, nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt... “Nếu người dân thu xếp được tài chính từ 15 triệu đồng đến vài chục triệu đồng thì việc đầu tư điện mặt trời cũng là một giải pháp hiệu quả, an toàn và chủ động được điện, nhất là vào mùa hè nắng nóng, khi tình trạng bị mất điện có thể xảy ra”-ông Mai Đình Đoài chia sẻ.
Ở quy mô doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Dụng cụ An Mi cho biết, toàn bộ mái nhà xưởng 5.200m2 của công ty tại Hưng Yên đã được lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Nhờ vậy, khi xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên vào tháng 5-6 vừa qua, hoạt động sản xuất của công ty không bị ảnh hưởng. Việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh khi đáp ứng về các yêu cầu phát triển bền vững của các đối tác.
Đề cập tới nhiều lợi ích khi phát triển điện mặt trời mái nhà, ông Nguyễn Khắc Văn, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP Hà Nội phân tích, miền Bắc đang trong giai đoạn thiếu điện. Chính vì vậy, người dân, doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về thiếu hụt điện năng. Việc đầu tư cho năng lượng tái tạo còn là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, lợi về nguồn thu cho doanh nghiệp cung cấp giải pháp và thiết bị, lợi về chi phí cho doanh nghiệp đầu tư sử dụng. Người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao. Về lợi ích lâu dài, doanh nghiệp sản xuất sẽ được cung cấp các chứng chỉ về phát triển bền vững khi sử dụng năng lượng xanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Đưa ra khuyến cáo với doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH GreenYellow Việt Nam, thành viên tập đoàn năng lượng châu Âu cho rằng, một chương trình quản lý năng lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 25% chi phí, giảm phát thải carbon 7-20%. Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời chỉ nên áp dụng với mái nhà xưởng có diện tích hơn 5.000m2, doanh nghiệp có hóa đơn tiền điện hơn 500 triệu đồng/năm và báo cáo tài chính 3 năm gần nhất có lãi.
Chờ cơ chế hấp dẫn
Phát triển điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Trong bối cảnh miền Bắc rơi vào tình trạng thiếu điện, nhất là trong cao điểm mùa khô, rất cần những cơ chế ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà ở khu vực này.
Mới đây, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Theo đề xuất của Bộ Công Thương, người dân, doanh nghiệp lắp điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở làm việc sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí và được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các công sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ, ngành sẽ được ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách khi lắp đặt loại năng lượng này cho mục đích tự dùng...
Đánh giá về các đề xuất của Bộ Công Thương, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà mới dừng lại ở việc khuyến khích lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để tự sử dụng và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác chứ chưa áp dụng cho mái nhà xưởng, khu công nghiệp. Điều này khiến các doanh nghiệp cảm thấy hụt hẫng. “Mặc dù điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư, nhất là chưa có chính sách cho việc đấu nối công suất dư thừa, chính sách khuyến khích cho mái nhà xưởng, khu công nghiệp... “-ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Phân tích rõ hơn, ý kiến của một số doanh nghiệp cho biết, lợi ích từ điện mặt trời mái nhà các khu công nghiệp là rất lớn, cho cả Nhà nước, EVN, doanh nghiệp mua điện và doanh nghiệp đầu tư điện, đặc biệt là khi miền Bắc thiếu điện như hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp đề xuất, Bộ Công Thương nên mở rộng chính sách khuyến khích cho mọi đối tượng muốn lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Góp ý cho dự thảo của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, dự thảo mới đưa ra các cơ chế khuyến khích chung, chưa có tính hấp dẫn, thu hút việc đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình hỗ trợ người dân, tổ chức tham gia việc đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà bằng các kế hoạch cụ thể. Dự thảo cần đề xuất miễn hoặc giảm các loại thuế, phí cụ thể cho nhà đầu tư, đánh giá sự phù hợp của kiến nghị này với các quy định pháp luật có liên quan.
(còn nữa)
VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.