Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm xanh, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng vào cuộc

Các hệ thống siêu thị cần chủ động dành không gian kệ hàng ưu tiên cho các sản phẩm xanh, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và lựa chọn.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3797/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030.

Kế hoạch này cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho các sở, ban, ngành của Thành phố; đồng thời chú trọng nghiên cứu, vận dụng các nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trong quá trình triển khai.

Các siêu thị bày bán bao bì thân thiện môi trường

Độc đáo dịch vụ cho thuê túi thân thiện môi trường

Theo đó, UBND TP.HCM đề ra 14 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, bao gồm: Năng lượng xanh; Tài chính xanh; Công nghiệp xanh; Khởi nghiệp, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo xanh; Du lịch xanh; Giao thông xanh; Tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng; Tiêu dùng xanh…

Đối với nhóm nhiệm vụ "Tiêu dùng Xanh", Sở Công Thương TP.HCM được giao chủ trì triển khai các chương trình nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni lông và bao bì nhựa dùng một lần trong hệ thống phân phối, bao gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh…

Thực tế ghi nhận trong nhiều năm qua cho thấy, tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, đa số doanh nghiệp đã bắt đầu phân phối các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, tuy nhiên số lượng còn hạn chế, một phần do yếu tố giá cả. Song song đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển dần sang sử dụng túi sinh học, túi tái chế, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc bảo vệ môi trường.

Đơn cử, tại hệ thống siêu thị Aeon, có một quầy tính tiền ưu tiên dành cho khách hàng không sử dụng túi ni lông. Đặc biệt, Aeon còn triển khai dịch vụ cho thuê túi mua sắm thân thiện môi trường chỉ với 5.000 đồng/túi, và khách hàng sẽ được hoàn tiền 100% khi trả lại túi.

Bà Nguyễn Bằng Lăng, Trưởng phòng Phát triển bền vững Doanh nghiệp - Aeon Việt Nam, cho biết: “Với cam kết chung tay vì mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, kể từ khi mở trung tâm mua sắm đầu tiên vào năm 2014, Aeon Việt Nam đã chủ động thực hiện các sáng kiến giảm thiểu nhựa dùng một lần từ rất sớm.”

Bà Lăng thông tin thêm, từ năm 2014 đến nay, 100% túi ni lông bao gói hàng hóa tại các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị của Aeon Việt Nam đều là túi phân hủy sinh học.

Đáng chú ý, để khuyến khích khách hàng tham gia xu hướng mua sắm xanh, giảm thiểu sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, hệ thống siêu thị Aeon thực hiện chính sách giảm 1.000 đồng cho mỗi giao dịch không sử dụng túi ni lông.

“Riêng dịch vụ cho thuê túi thân thiện môi trường, trong năm 2024 chúng tôi ghi nhận 22.000 lượt túi được thuê, ước tính tương đương với việc giảm thiểu 7,8 triệu túi ni lông thải ra môi trường”-bà Lăng chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Tam Nông Việt Nam, đơn vị chuyên sản xuất thực phẩm xuất khẩu, cho biết một trong những yếu tố then chốt giúp HTX chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính, bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn, chính là việc đề cao và khẳng định trách nhiệm đối với môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Minh chứng cho điều này, HTX đã lựa chọn sử dụng các loại bao bì đạt tiêu chuẩn xanh, bền vững và có khả năng tái chế cao như bao bì nhôm hoặc thủy tinh cho một số sản phẩm đặc thù như tương ớt lên men, hay các loại khay đựng trái cây đông lạnh như sầu riêng, mít tươi.

“Chi phí cho bao bì đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu rất cao, điều này đẩy giá thành sản phẩm tăng lên đáng kể, nên các mặt hàng này hiện chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, hợp tác xã đang tích cực xúc tiến các giải pháp để người tiêu dùng có thể sớm tiếp cận sản phẩm,” bà Vân Anh cho biết.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định bên cạnh xu hướng người dân thắt chặt chi tiêu, một xu hướng khác cũng đang ngày càng rõ nét là người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và các sản phẩm xanh.

Theo các tổ chức nghiên cứu thị trường, có đến 78% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn để mua những sản phẩm chất lượng, tốt cho sức khỏe. Đáng chú ý, 74% khách hàng chấp nhận trả giá cao hơn tới 20% đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm bao bì được làm từ vật liệu tái chế.

Điều này cho thấy ý thức bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững của người tiêu dùng Việt ngày càng được nâng cao.

 Người tiêu dùng có thể thuê túi thân thiện môi trường. Ảnh: TÚ UYÊN

Người tiêu dùng có thể thuê túi thân thiện môi trường. Ảnh: TÚ UYÊN

Cần nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xanh

Ông Nguyễn Văn Phượng, Chuyên gia của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng cao, cho rằng để hỗ trợ các nhà sản xuất phát triển xanh và khuyến khích việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, Nhà nước có thể triển khai một số chính sách thiết thực.

Cụ thể như có chính sách cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư công nghệ, trang thiết bị phục vụ thực hành sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, cần xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp khi mua sắm trang thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất xanh.

Ưu đãi tương tự cũng nên áp dụng cho những sản phẩm được sản xuất từ việc sử dụng một phần nguyên vật liệu tái chế, nguyên liệu sinh học hoặc sử dụng bao bì sinh thái.

Ngoài ra, ông Phượng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Nhà nước đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất bao bì sinh thái, đồng thời cung cấp nguồn vốn hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp và các tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, để sản phẩm xanh được phân phối rộng rãi hơn trên thị trường, vị chuyên gia này cho rằng, bên cạnh các chính sách ưu đãi về chi phí trưng bày sản phẩm xanh cho doanh nghiệp, các hệ thống siêu thị cần chủ động dành không gian kệ hàng ưu tiên cho các sản phẩm xanh. Từ đó, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và lựa chọn.

"Các siêu thị cũng cần tích cực triển khai các chiến dịch truyền thông để quảng bá sản phẩm xanh, với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp cung ứng sản phẩm xanh"-ông Phương chia sẻ.

 Siêu thị cho thuê 5.000 đồng/túi. Ảnh: TÚ UYÊN

Siêu thị cho thuê 5.000 đồng/túi. Ảnh: TÚ UYÊN

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho biết với quy mô dân số hơn 100 triệu người, trong đó khoảng 70% đang trong độ tuổi lao động, thị trường nội địa Việt Nam đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt trong ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Theo bà Quyên, xu hướng tiêu dùng hiện nay ngày càng khắt khe và thông minh hơn. Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá cả, mà còn đặt niềm tin vào chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sự minh bạch thông tin và tính bền vững của sản phẩm.

“Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc ‘làm đúng’ ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu sạch, áp dụng quy trình sản xuất chuẩn mực, cho đến sử dụng bao bì sáng tạo và thân thiện với môi trường chính là chìa khóa để sản phẩm Việt khẳng định vị thế và chinh phục lòng tin của thị trường”, bà Quyên nhấn mạnh.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuc-day-tieu-dung-san-pham-xanh-doanh-nghiep-va-nguoi-tieu-dung-cung-vao-cuoc-post852247.html