Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản - giải pháp tài chính, cam kết dài hạn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao vị thế của nông sản ĐBSCL

Lời Tòa soạn: Sáng nay, 18.11, tại thành phố Cần Thơ, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo 'Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững'. Tham dự Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường có bài phát biểu chào mừng. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu:

 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Kính thưa quý vị đại biểu Quốc hội,

Kính thưa bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân,

Kính thưa ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

Kính thưa quý chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng toàn thể Hội thảo,

Lời nói đầu tiên cho phép tôi gửi lời chào trân trọng đến toàn thể quý đại biểu đã dành thời gian quý báu đến tham dự Hội thảo: “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nôngsản chủ lực, đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững”.

Kính thưa quý đại biểu!

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thủy sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước.

Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư. Đặc biệt, dòng vốn tín dụng của ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL.

Ngày 2.12.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1519/QĐ-TTCP phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với quan điểm xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, cân bằng tổng thể cả 3 lĩnh vực: Kinh tế; Văn hóa - xã hội; Môi trường, phát triển ngành Nông nghiệp bền vững, an toàn, thịnh vượng.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với định hướng quy hoạch, không gian phát triển của ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ có sự thu hẹp do sự phát triển đô thị, giao thông, công nghiệp. Tuy nhiên, trong quy hoạch định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển, nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn vẫn được phát triển như vùng sản xuất lúa 48.000ha; vùng sản xuất cây ăn trái tập trung quy mô lớn trên địa bàn huyện Phong Điền, Thới Lai; vùng nuôi thủy sản tập trung chuyên canh ven sông Hậu.

Đặc biệt, thành phố Cần Thơ được quy hoạch Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ với 250 ha gồm: quận Bình Thủy 50ha, huyện Cờ Đỏ 200ha; 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 1.665ha, 2 khu chăn nuôi tập trung quy mô 384 ha, 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm cả Nông trường sông Hậu, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ.

Kính thưa quý đại biểu!

Thành phố Cần Thơ là trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, điều kiện kết nối giao thông thuận lợi, đất đai phì nhiêu, thuận lợi để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, tập trung nông sản của cả vùng để chế biến… Tôi mong rằng, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tập trung quan tâm nhiều hơn nữa đến thành phố Cần Thơ, tìm cơ hội đầu tư các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến tại các vùng nguyên liệu tập trung. Đặc biệt, triển khai các dự án Trung tâm liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ; các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu chăn nuôi tập trung, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo cơ chế đặc thù được Quốc hội phê chuẩn, thành phố Cần Thơ đang tiến hành các bước xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự án này nhằm xây dựng một trung tâm phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ nông sản tại ĐBSCL, tạo cầu nối giữa các tỉnh trong vùng với thị trường quốc tế, giúp gia tăng giá trị nông sản thông qua chế biến và kho vận hiện đại.

 Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Hiện tại, UBND thành phố Cần Thơ đang hoàn thiện các bước quy hoạch, trong đó đã xác định hai khu vực chính tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ với quy mô ban đầu khoảng 250ha cho giai đoạn đầu (2021 - 2025). Kế hoạch cũng bao gồm các bước cụ thể để phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống kho bãi và các khu chế biến nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong tương lai. Trung tâm dự kiến sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn giảm thuế thuê đất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, sản xuất và chế biến nông sản sâu.

Rộng hơn nữa, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng về tự nhiên và con người, là vùng kinh tế trọng điểm và địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh... của cả nước. Nơi đây chiếm tới 60% sản lượng lúa, 40% sản phẩm thủy sản. Ngoài tiềm năng của một trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL còn cho thấy có tiềm năng về phát triển công nghiệp như công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; đầu tư vào công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở đồng bằng sông Cửu Long hiện đang gặp nhiều khó khăn như Rủi ro - Thiên tai - Biến đổi khí hậu: ĐBSCL là vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt. Những rủi ro này làm cho các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay, vì ngành nông sản ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên.

 Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún: Phần lớn nông hộ ở ĐBSCL có quy mô sản xuất nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ, làm cho việc áp dụng công nghệ và quản lý trở nên khó khăn. Điều này khiến các ngân hàng khó kiểm soát và khó đánh giá chính xác về rủi ro tín dụng.

Thiếu minh bạch và quản lý tài chính: Nhiều nông hộ và hợp tác xã chưa có kỹ năng quản lý tài chính tốt và hệ thống sổ sách rõ ràng. Điều này khiến các tổ chức tín dụng khó đánh giá khả năng trả nợ, dẫn đến e ngại khi cung cấp vốn.

Thiếu tài sản thế chấp: Do đất đai ở ĐBSCL bị chia nhỏ và giá trị không cao, nông dân khó có đủ tài sản thế chấp theo yêu cầu của ngân hàng. Việc sử dụng tài sản thế chấp cũng gặp khó khăn vì quy định pháp lý chưa hoàn thiện, làm giảm cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng.

Chi phí vốn cao: Các khoản vay nông nghiệp thường có lãi suất cao hơn so với mức mà nông dân có thể chi trả, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì và phát triển sản xuất.

Chưa có nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp: Các tổ chức tín dụng chưa có nhiều sản phẩm tín dụng phù hợp với chu kỳ sản xuất dài hạn và đặc thù của ngành nông sản, gây hạn chế trong việc tiếp cận vốn.

Thiếu cơ chế bảo hiểm nông nghiệp: Do thiếu các giải pháp bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp, rủi ro thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ của nông dân, khiến các ngân hàng thêm thận trọng trong việc cung cấp tín dụng

Kính thưa quý đại biểu!

Hôm nay, tôi rất vui mừng khi Báo Đại biểu Nhân dân cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững”.

Việc tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy tín dụng cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của khu vực theo hướng phát triển theo chiều sâu, góp phần đưa ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.

Để giải quyết vấn đề này, tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất,tăng cường hợp tác giữa chính quyền địa phương, ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng những gói tín dụng phù hợp, linh hoạt cho từng đối tượng trong chuỗi sản xuất nông sản. Cần có các sản phẩm tín dụng đặc thù với thời hạn và lãi suất phù hợp với chu kỳ sản xuất nông sản, giúp bà con nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Thứ hai,khuyến khích các ngân hàng và tổ chức tín dụng nghiên cứu, áp dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; nâng cao năng lực định giá tài sản tín chấp và đánh giá rủi ro tín dụng trong nông nghiệp. Việc này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba,cần xây dựng các cơ chế bảo hiểm nông nghiệp và quỹ bảo lãnh tín dụng cho ngành nông nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng để giảm thiểu rủi ro cho cả người nông dân và ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng tự tin hơn khi cấp vốn cho ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL.

Thứ tư,đẩy mạnh sự phối hợp giữa các Sở, ngành trong việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tiếp cận các chương trình hỗ trợ từ Trung ương, các dự án ODA và các nguồn lực quốc tế khác. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn để bà con và doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, giảm thiểu áp lực chi phí sản xuất.

Thứ năm,tăng cường hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã và chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản. Mô hình này sẽ giúp tạo sự ổn định, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, giúp bà con nông dân và doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn thông qua các tổ chức tập thể.

Kính thưa quý đại biểu!

Để ĐBSCL phát triển bền vững, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía bà con nông dân, doanh nghiệp mà rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ phía Nhà nước, các tổ chức tín dụng và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bên liên quan. Việc thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản không chỉ là giải pháp tài chính, mà còn là cam kết dài hạn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ổn định đời sống người dân và nâng cao vị thế của nông sản ĐBSCL trên bản đồ thế giới.

Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm, sự đoàn kết và tinh thần hợp tác, chúng ta sẽ tháo gỡ được những rào cản, mở ra hướng đi mới cho ngành hàng nông sản chủ lực, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và đem lại sự thịnh vượng cho vùng ĐBSCL.

Một lần nữa, kính chúc toàn thể quý đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Xin cảm ơn và trân trọng kính chào!

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thuc-day-tin-dung-cho-nganh-hang-nong-san-giai-phap-tai-chinh-cam-ket-dai-han-gop-phan-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-nang-cao-vi-the-cua-nong-san-dbscl-post396678.html