Thúc đẩy tín dụng khu vực Tây Bắc

Hiện nay, một số tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) có mức tăng trưởng tín dụng còn thấp. Để năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của địa phương và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.

Vốn huy động chưa đáp ứng nhu cầu cho vay

Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 3 (gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) đã nỗ lực huy động vốn để cung ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, tham gia nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng. Mạng lưới hoạt động có sự hiện diện của 27 TCTD với 668 điểm giao dịch tại các xã bao phủ rộng khắp các huyện, thành phố, vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực tín dụng đã đầu tư cho các ngành, lĩnh vực là thế mạnh đặc trưng của vùng; các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn huy động tại chỗ mới đáp ứng được khoảng 84% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Đến cuối tháng 2-2025, dư nợ tín dụng của các TCTD tại NHNN Khu vực 3 ước đạt 134.571 tỷ đồng, giảm 1,61% so với cuối năm 2024. Vẫn còn doanh nghiệp, người dân phản ánh gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Chia sẻ về những khó khăn khi vay vốn ngân hàng, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Sơn La, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Quỳnh Ngọc, cho biết: “Mặc dù nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển nhưng các doanh nghiệp tỉnh Sơn La vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đa số doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm gần 97%), vốn sản xuất, kinh doanh thấp, tỷ trọng doanh nghiệp trong các nhóm ngành còn mất cân đối, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay vốn, dẫn đến sự hạn chế trong mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển”.

 Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh trong trung hạn, dài hạn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh trong trung hạn, dài hạn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tăng thêm gần 22.000 tỷ đồng tín dụng

Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN Việt Nam đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả nước 16% trong năm nay để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% mà Chính phủ đặt ra. Đối với các tỉnh trên địa bàn NHNN Khu vực 3, để đạt mức tăng trưởng chung này thì cần phải tăng thêm gần 22.000 tỷ đồng quy mô tín dụng trong năm 2025 (trong khi năm 2024 quy mô tín dụng Khu vực 3 tăng 9.600 tỷ đồng). Do vậy, đây là một thách thức cần sự nỗ lực vào cuộc của cả ngành ngân hàng, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của các địa phương.

Theo ông Nguyễn Đình Việt, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, các tỉnh trên địa bàn của NHNN Khu vực 3 đều đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8% trong năm 2025. Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, NHNN Việt Nam phải bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, tăng cường công tác huy động vốn, nhất là nguồn vốn trung hạn, dài hạn nhằm tạo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cần có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tương xứng với tiềm lực lớn mạnh của tỉnh; đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi trong dân; điều hành linh hoạt để bảo đảm đáp ứng đủ và kịp thời vốn cho nhu cầu đầu tư. Ông Nguyễn Đình Việt đề nghị NHNN Khu vực 3 chỉ đạo các TCTD tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, là thế mạnh của địa phương, đồng thời bảo đảm chất lượng tín dụng. Ngoài ra, các TCTD cần đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động, qua đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trên địa bàn mong muốn NHNN Việt Nam khuyến khích các TCTD mở rộng hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai, bởi hiện tại rất ít ngân hàng áp dụng hình thức cho vay này. Bên cạnh đó, việc ngân hàng cho vay dựa trên phương án kinh doanh, nguồn thu nhập cũng cần được đẩy mạnh thay cho việc chỉ dựa vào tài sản bảo đảm là đất đai, ô tô...

Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đề xuất NHNN Việt Nam quan tâm, hỗ trợ các chi nhánh Vietcombank, đặc biệt là các chi nhánh còn non trẻ tại địa bàn NHNN Khu vực 3. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Vietcombank triển khai các chương trình ưu đãi và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các ngân hàng Agribank, VietinBank và BIDV cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như: Thủy điện, nông nghiệp, du lịch... Đồng thời ưu tiên nguồn vốn cho vay đối tượng chính sách để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Nhằm hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh trong trung hạn, dài hạn trên địa bàn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) đã triển khai chương trình ưu đãi lãi suất, đáp ứng đa dạng nhu cầu vay vốn kinh doanh và chủ động xây dựng chính sách tài trợ chuỗi cung ứng. Theo đó, sản phẩm “Vay nhanh siêu tốc-Bứt tốc kinh doanh” hỗ trợ cá nhân, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn với lãi suất ưu đãi từ 5,5%/năm; số tiền cho vay tối đa 90% nhu cầu vốn; chủ động giải ngân trên ứng dụng MBBank.

Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Thành Long-Thương nhân phân phối xăng, dầu, địa chỉ tại tổ 15, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, chia sẻ: Quy mô doanh thu của doanh nghiệp hằng năm khoảng 1.500 tỷ đồng và hiện đang vay vốn tại MB Chi nhánh Hòa Bình 70 tỷ đồng. Khách hàng cho biết đã giao dịch tại MB Chi nhánh Hòa Bình từ năm 2018 cho tới nay và luôn được cán bộ, nhân viên MB tư vấn các giải pháp xử lý nhu cầu tài chính phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các phương thức và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng để bảo đảm dòng vốn kịp thời cho hoạt động kinh doanh và tăng trưởng thuận lợi.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà yêu cầu các TCTD trên địa bàn NHNN Khu vực 3 chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và các mặt hàng nông sản chủ lực (lâm sản, lúa gạo, rau quả); tranh thủ sự ủng hộ của các địa phương, các hiệp hội ngành nghề để phát triển tín dụng trên địa bàn. Tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu nhưng bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn hệ thống, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng; tiết giảm tối đa các khoản chi phí chưa cần thiết để tạo nguồn lực giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp...

ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tai-chinh/thuc-day-tin-dung-khu-vuc-tay-bac-822196