Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho học sinh

Các chuyên gia bàn luận giải pháp khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh thông qua tư vấn nghề nghiệp và hướng nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Sáng 19/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo "Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của học sinh từ hoạt động tư vấn, nghề nghiệp, việc làm".

Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII năm 2025.

Bối cảnh đặc biệt của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, hội thảo này không chỉ nằm trong chuỗi hoạt động tổng kết, đánh giá quá trình triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1665), mà còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Đó là, hội thảo nằm trong bối cảnh đặc biệt, khi cả nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh vai trò then chốt của định hướng nghề nghiệp trong nhà trường phổ thông. Việc hướng nghiệp đúng lúc, đúng cách sẽ giúp học sinh mở được “cánh cửa cuộc đời” một cách chính xác, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa năng lực bản thân.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với trọng tâm là phát triển năng lực, nhận diện tố chất thay cho lối truyền thụ kiến thức truyền thống đang được triển khai theo đúng lộ trình cải cách. Đến nay, giai đoạn đầu đã hoàn thành và năm 2025 sẽ là cột mốc đánh dấu “quả ngọt đầu tiên” của chương trình đổi mới này.

Thực hiện Đề án 1665 – hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, từ 63 Sở GD&ĐT và hàng nghìn trường THPT trên cả nước, học sinh đã tích cực tham gia, đóng góp nhiều sản phẩm sáng tạo, thể hiện tiềm năng lớn.

 Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, bậc phổ thông chính là “thời điểm vàng” để khơi dậy và định hình tinh thần khởi nghiệp.

Nếu như ở cấp tiểu học, việc giáo dục nhằm rèn luyện kỹ năng, hình thành nhân cách; cấp THCS cung cấp, bồi đắp kiến thức phổ thông thì ở cấp THPT, giáo dục cần giúp học sinh xây dựng tư duy, xác định con đường sự nghiệp phù hợp với tố chất và sở trường.

Khi hoàn thành bậc học phổ thông, các em cần được trang bị không chỉ kiến thức mà còn là bản lĩnh để tự tin bước vào đại học, giáo dục nghề nghiệp hay trực tiếp khởi nghiệp với định hướng rõ ràng và hành trang sẵn sàng.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng

Cũng theo Thứ trưởng, vấn đề mà hội thảo hôm nay phải đặt trong bối cảnh đổi mới toàn diện, đòi sự thay đổi trong tư duy làm việc, gắn liền với Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Nghị quyết 57 là một văn kiện quan trọng đặt nền móng cho phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Việc đổi mới tư duy không còn là lựa chọn mà là yêu cầu cấp thiết. Để nâng cao tỷ trọng đóng góp vào GDP và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, khoa học công nghệ phải trở thành trụ cột. Dù các lĩnh vực như dịch vụ tài chính vẫn giữ vai trò quan trọng, nhưng trong kỷ nguyên số, nhiều quy trình sẽ được tự động hóa bằng công nghệ. Điều đó đòi hỏi sức sáng tạo vào khoa học, kỹ thuật, công nghệ số.

Những chuyển biến tích cực về giáo dục khởi nghiệp

Ông Đỗ Đức Quế – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD&ĐT) nhận định, trong những năm gần đây, công tác hỗ trợ học sinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng được quan tâm triển khai tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Một trong những điểm sáng đáng chú ý là việc lồng ghép nội dung giáo dục khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy chính khóa.

Đặc biệt, các môn học như Công nghệ, Tin học, và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đang trở thành nền tảng giúp học sinh hình thành tư duy khởi nghiệp. Không chỉ tiếp cận lý thuyết, các em còn được rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề, phát triển tư duy sáng tạo và thực hành triển khai ý tưởng.

 Ông Đỗ Đức Quế – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông báo cáo về hoạt động giáo dục và định hướng nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Đỗ Đức Quế – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông báo cáo về hoạt động giáo dục và định hướng nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngoài lớp học, nhiều trường đã chủ động tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, ngày hội khởi nghiệp, sân chơi đổi mới sáng tạo trong và ngoài nhà trường. Đây không chỉ là dịp để học sinh trình bày ý tưởng, mà còn là cơ hội học hỏi, được hướng dẫn bởi giáo viên và các chuyên gia giàu kinh nghiệm, giúp các em đưa ý tưởng đến gần hơn với thực tế.

Theo ông Đỗ Đức Quế, công tác kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng ngày càng được chú trọng. Các dự án giáo dục STEM, chương trình trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp đang mở ra môi trường học tập linh hoạt, thực tế cho học sinh. Không ít mô hình liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp – cộng đồng đã được hình thành và bước đầu ghi nhận hiệu quả tích cực.

Những bước đi này không chỉ trang bị kiến thức mà còn khơi gợi tinh thần chủ động, sáng tạo – những yếu tố cốt lõi để thế hệ học sinh phổ thông hôm nay sẵn sàng bước vào hành trình khởi nghiệp trong tương lai.

 Ông Trần Văn Đạt báo cáo đánh giá thực trạng công tác hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Trần Văn Đạt báo cáo đánh giá thực trạng công tác hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Ảnh: Mạnh Tùng

Báo cáo đánh giá thực trạng công tác hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông, ông Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) nhận định, trước năm 2017, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từng là một khái niệm mới mẻ, đặc biệt trong giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, với việc triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án 1665), giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường đã có bước chuyển mình rõ rệt.

Trong suốt hơn 7 năm qua, Đề án 1665 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục đối với vấn đề khởi nghiệp. Dù đạt được nhiều thành tựu, song có nhiều mặt vẫn chưa đạt như mong muốn.

Một trong những yếu tố cốt lõi để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh phổ thông, theo ông Trần Văn Đạt, chính là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tập trung vào công tác xây dựng hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ và phát triển hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Các văn bản luật liên quan như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học sửa đổi đều đặc biệt chú trọng đến vai trò của nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Thông tư 07/2022 của Bộ GD&ĐT cũng là một văn bản quan trọng hỗ trợ triển khai các hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường phổ thông.

 Một gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII năm 2025. Ảnh: Mạnh Tùng

Một gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII năm 2025. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo ông Trần Văn Đạt, để khởi nghiệp thực sự đi vào chiều sâu trong nhà trường, cần chú trọng hai yếu tố nền tảng.

Thứ nhất là xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có năng lực giảng dạy, hướng dẫn học sinh về khởi nghiệp.

Thứ hai là phát triển hệ thống tài liệu giảng dạy, học liệu khởi nghiệp phong phú, dễ tiếp cận để giáo viên và học sinh có thể sử dụng hiệu quả trong quá trình học tập và thực hành.

 TS Nguyễn Hữu Long trình bày tham luận. Ảnh: Mạnh Tùng

TS Nguyễn Hữu Long trình bày tham luận. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại hội thảo trên, các đại biểu được lắng nghe một số tham luận quan trọng: "Vai trò của hoạt động định hướng, tư vấn nghề nghiệp, việc làm trong việc thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo cho học sinh" của TS Nguyễn Hữu Long - giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tâm lý học Việt Nam; "Cá nhân hóa tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học trong kỷ nguyên số" của TS Vũ Đình Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM; ...

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuc-day-tinh-than-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-cho-hoc-sinh-post727784.html