Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong đoàn viên, thanh niên

Những năm qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực trong thực hiện chương trình Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đó nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên địa phương.

Bạn Phùng Thị Huyền Trân - Bí thư Chi đoàn ấp Phước Ninh, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) với mô hình khởi nghiệp kinh doanh chả cá thát lát. Ảnh: TẤN PHÁT

Không chỉ được biết đến với tinh thần xung kích, tình nguyện trong hoạt động đoàn, bạn Phùng Thị Huyền Trân - Bí thư Chi đoàn ấp Phước Ninh, xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) còn là tấm gương điển hình trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp ở địa phương với mô hình kinh doanh chả cá thát lát mang thương hiệu riêng của bản thân. Huyền Trân chia sẻ: “Ý tưởng khởi nghiệp với mô hình kinh doanh sản phẩm chả cá thát lát được hình thành từ năm 2019, khi phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp trong đoàn viên, thanh niên phát triển mạnh. Mô hình giúp tôi tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn của gia đình. Lúc đầu, tôi chỉ làm số lượng ít để sử dụng trong gia đình và bán cho người thân quen. Tuy nhiên, do sản phẩm hợp khẩu vị nên dần dà được nhiều người biết đến”.

Để làm chả cá thát lát đạt chất lượng, Huyền Trân chọn cách tự nuôi cá thát lát và tận dụng nguồn cá thát lát của gia đình để làm nguồn nguyên liệu, đồng thời các công đoạn chế biến cũng được thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Huyền Trân, sản phẩm chả cá thát lát phải đảm bảo tiêu chí chất lượng, hợp vệ sinh thì mới được người tiêu dùng lựa chọn, đồng thời là cơ sở để bạn đăng ký sản phẩm OCOP. Hiện nay, bình quân mỗi tháng Huyền Trân bán gần 50kg chả cá, góp phần tăng thu nhập cho gia đình trên 30 triệu đồng/năm.

Cùng chung khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, đoàn viên Nguyễn Duy Cường, ấp Tam Sóc D2, xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú) cũng mạnh dạn xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi, trong đó mô hình nuôi thỏ thương phẩm của Duy Cường đang phát triển tốt và hiện đã có đầu ra. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghiệp Cần Thơ, Duy Cường về quê phụ giúp gia đình và tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp. Nói về ý tưởng nuôi thỏ thương phẩm, Duy Cường cho biết: “Từ việc tham gia các hội, nhóm trên các trang mạng xã hội, em thấy mô hình nuôi thỏ hiệu quả, cho thu nhập ổn định. Vì thế từ năm 2023, em bắt đầu nuôi thử nghiệm với số lượng 7 con. Đến nay, số lượng thỏ trong chuồng trên 100 con và đang tiếp tục sinh sản. Mỗi đợt tầm 3 tháng, em sẽ xuất chuồng từ 20 - 30 con thỏ thịt. Ngoài ra, em cũng tận dụng diện tích quanh nhà để nuôi thêm ếch, cá điêu hồng, rắn, ba ba để tăng thu nhập".

Nhiều mô hình khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Ảnh: TẤN PHÁT

Nhiều mô hình khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Ảnh: TẤN PHÁT

Theo đồng chí Triệu Thị Ngọc Diễm - Bí thư Tỉnh đoàn Sóc Trăng, thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong tìm kiếm, tổ chức các hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thanh niên địa phương, đơn vị. Trong đó đẩy mạnh triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, tổ chức các hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm cho các đối tượng thanh niên. Đồng thời, quan tâm đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức về khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên nông thôn triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, kết nối đầu ra sản phẩm.

Riêng trong năm, các cơ sở đoàn trong tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho hơn 900 đoàn viên, thanh niên, hỗ trợ cho 210 ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp của thanh niên triển khai thực hiện với kinh phí 1,4 tỷ đồng và khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, vốn từ ngân hàng chính sách xã hội và vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thanh niên vay vốn làm kinh tế. Đến nay, các cấp bộ đoàn đang quản lý trên 240 mô hình sản xuất, kinh doanh, 72 tổ hợp tác, 16 hợp tác xã với trên 950 thành viên, chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ kinh doanh nhỏ lẻ, hơn 80% các mô hình sản xuất, kinh doanh nằm ở địa bàn nông thôn.

Chương trình đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp thực sự phát huy được vai trò xung kích, tự chủ của thanh niên phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, thanh niên, tạo điều kiện mở rộng đoàn kết tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn. Trong thời gian tới, các cấp bộ đoàn sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, trong đó tập trung thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, các nhà đầu tư và xã hội đối với các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên và kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiềm năng…

TẤN PHÁT

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/doan-the/thuc-day-tinh-than-khoi-nghiep-lap-nghiep-trong-doan-vien-thanh-nien-70621.html