Việt Nam phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh trong giai đoạn 2019-2023

Hiện nay, trái phiếu xanh đã trở thành một công cụ tài chính quan trọng để huy động vốn cho các dự án bền vững. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, trở thành thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Singapore.

Các quốc gia và tổ chức trên thế giới sử dụng trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo.

Các quốc gia và tổ chức trên thế giới sử dụng trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trái phiếu xanh là một loại trái phiếu được phát hành để huy động vốn từ các nhà đầu tư để tài trợ cho các dự án xanh hoặc các hoạt động có tính bền vững về môi trường. Điều này được thực hiện nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp sạch, giảm thiểu khí thải, tăng cường năng lượng tái tạo và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trái phiếu xanh có các đặc điểm khác biệt so với các loại trái phiếu thông thường, bao gồm các tiêu chuẩn xanh nhằm đảm bảo rằng các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững. Việc phát hành trái phiếu xanh được coi là một cách thức tài trợ mới và tiềm năng để hỗ trợ cho các dự án xanh, giúp tăng cường năng lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của toàn cầu.

Hiện nay, trái phiếu xanh đã trở thành một công cụ tài chính quan trọng để huy động vốn cho các dự án bền vững. Các quốc gia và các tổ chức trên toàn thế giới đã sử dụng trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, và quản lý tài nguyên nước.

Thực tế cho thấy, tiền thu được từ trái phiếu xanh có thể tài trợ cho các dự án thuộc các loại như: Năng lượng tái tạo (địa nhiệt, năng lượng mặt trời, phục hồi năng lượng, mạng lưới sưởi ấm); Hiệu quả năng lượng với mục tiêu hiệu suất trong xây dựng, chiếu sáng công cộng và hệ thống sưởi ấm cục bộ; Vận tải ít carbon (hệ thống giao thông công cộng, xe đạp, xe điện...); Thích ứng khí hậu: giảm hiệu ứng đảo nhiệt bằng cách tạo ra các bề mặt xanh và tái tạo rừng đô thị.

Tại Trung Quốc, trong năm 2023, nước này đã phát hành tổng cộng 131.3 tỷ USD trái phiếu xanh có nhãn trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, 83.5 tỷ USD đáp ứng định nghĩa trái phiếu xanh của Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI). Mặc dù khối lượng phát hành có thu hẹp nhẹ so với năm 2022, do các yếu tố kinh tế vĩ mô chung như tăng trưởng kinh tế chậm lại và lãi suất tăng, Trung Quốc vẫn duy trì vị trí là thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới năm thứ hai liên tiếp.

Trong năm 2023, các dự án năng lượng và giao thông vận tải tiếp tục giữ tỷ trọng lớn nhất trong việc sử dụng vốn từ trái phiếu xanh phát hành tại Trung Quốc, chiếm tới 84% tổng khối lượng. Riêng lĩnh vực năng lượng chiếm gần một nửa khối lượng được ghi nhận trong năm. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng Phát triển Thượng Hải Pudong, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc là những tổ chức phát hành trái phiếu xanh lớn nhất, với số tiền huy động lên tới hàng tỷ USD để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và giao thông công cộng carbon thấp...

Tại thành phố Paris (Pháp), năm 2015 đã phát hành trái phiếu xanh trị giá 300 triệu euro (321,5 triệu USD, lãi suất 1,75% và kỳ hạn 16 năm) đầu tiên cho giao thông tái tạo, ít carbon, tiết kiệm năng lượng, quản lý nước, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Một số dự án tiêu biểu bao gồm việc phát triển các trang trại gió và năng lượng mặt trời, cải thiện hệ thống giao thông công cộng tại Paris, và nâng cấp cơ sở hạ tầng quản lý nước.

Tại Việt Nam, từ cuối năm 2015, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh trong chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức. Đáng chú ý, xu hướng đầu tư phát triển thị trường trái phiếu xanh đang dần được hình thành và phát triển. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Hiện nay, Việt Nam là thị trường phát hành trái phiếu xanh lớn thứ hai khu vực ASEAN, đạt 1 tỷ USD và chỉ xếp sau Singapore.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu xanh. Ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. Để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển, ngày 17/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2021/TT-BTC hướng dẫn chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ của trái phiếu xanh trên thị trường chứng khoán… Tại hầu hết các cuộc làm việc với các tổ chức quốc tế hoặc các chuyến công tác nước ngoài, việc tìm kiếm cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc quan tâm khi đã đề cập, giới thiệu về tiềm năng đầu tư, cơ hội phát triển đến các tổ chức, tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế.

Hiện nay, trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án/công trình “xanh”, như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời. Đồng thời, cũng có nhiều tổ chức tiên phong phát hành trái phiếu xanh và đã thực hiện phát hành theo chuẩn quốc tế của CBI và ICMA.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn còn vướng mắc là phải chờ hình thành danh mục xanh theo chính sách của Chính phủ, đồng thời hình thành các tổ chức đánh giá, phân loại, dán nhãn trái phiếu xanh. Do đó, cần sớm ban hành Danh mục xanh để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thuc-day-trai-phieu-xanh-phat-trien-ho-tro-cho-hoat-dong-bao-ve-moi-truong.html