Thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tại Bình Dương

Ngày 12-10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp về thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các ngân hàng thương mại và hơn 50 đại biểu đại diện các hiệp hội, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua hơn 4 tháng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn đang tích cực triển khai theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của Hội sở. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện chương trình vẫn còn hạn chế. Đến cuối tháng 6-2022, tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất là trên 455 tỷ đồng, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình hỗ trợ lãi suất là 473 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ lãi suất tập trung chủ yếu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành hàng không, vận tải kho bãi. Đối tượng được hỗ trợ lãi suất chủ yếu là doanh nghiệp.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, kết quả việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng vẫn còn hạn chế, chưa đạt theo kỳ vọng. Đại diện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều cho rằng, một trong những vướng mắc lớn gây khó khăn trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất là tiêu chí “có khả năng phục hồi theo đánh giá của ngân hàng thương mại”. Quy định này dẫn đến việc đánh giá nội bộ giữa các ngân hàng thương mại có sự khác biệt, có khách hàng vay vốn tại nhiều ngân hàng và có thể được xác định đáp ứng tiêu chí có khả năng phục hồi tại ngân hàng này nhưng không đáp ứng tiêu chí đánh giá tại ngân hàng khác. Các ngân hàng thắc mắc, trường hợp khách hàng được đánh giá có khả năng phục hồi tại thời điểm cho vay nhưng sau đó thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng không phục hồi thì có hay không thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất? Những khách hàng mới thành lập, ngân hàng chưa đủ cơ sở đánh giá khả năng phục hồi thì cơ sở nào để ngân hàng thực hiện cho vay?...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dành cho rằng đây là chương trình mang tính nhân văn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi và phát triển sau đại dịch, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, thúc đẩy nhanh hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của các khách hàng, phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, thông tin, đối thoại trực tiếp với khách hàng trên địa bàn, nhằm giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ và sớm nắm bắt thông tin, cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

THANH HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thuc-day-trien-khai-chuong-trinh-ho-tro-lai-suat-tai-binh-duong-707969