Thúc đẩy tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Là quốc gia đa dạng tôn giáo, Việt Nam đã sớm hình thành chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để Việt Nam đạt được những thành tựu bảo đảm, thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người dân.

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo nhằm biểu dương, tôn vinh, khích lệ lãnh đạo chức sắc, phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước”, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 13/6/2024. (Nguồn: TTXVN)
Hoàn thiện chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo
Năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, nhưng đến năm 1990 mới bắt đầu đổi mới nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo thông qua Nghị quyết về tăng cường công tác trong tình hình mới. Đây là mốc son, là bước ngoặc mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo.
Sau 23 năm thực hiện đổi mới chính sách tôn giáo, ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Nội dung cốt lõi của Nghị quyết 25 tập trung ở năm quan điểm, sáu nhiệm vụ và bốn giải pháp; đánh giá toàn diện về tình hình và công tác tôn giáo; xác định quan điểm, chính sách tôn giáo; đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong tình hình mới.
Năm quan điểm gồm: (1) Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội; (2) Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; (3) Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; (4) Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. (5) Vấn đề theo đạo và truyền đạo.
Đến năm 2018 khi Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25 đã bổ sung 1 quan điểm là "Giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa, nguồn lực của tôn giáo cho phát triển đất nước" nhằm đưa tôn giáo và công tác tôn giáo thấm sâu vào đời sống của đồng bào có đạo và toàn xã hội.
Trên cơ sở đó, nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tư về lĩnh vực tôn giáo được ban hành như Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo đã tạo ra hành lang pháp lý để giải quyết các vấn đề còn tồn tại từ giai đoạn trước đến nay về nhà, đất tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg từng bước nhìn nhận và đưa hoạt động đạo Tin lành vào quản lý bằng pháp luật.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định trong Điều 24, Hiến pháp năm 2013 và nâng lên ở chủ thể “mọi người”: “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước tôn trọng và bảo hộ”. Trong báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh: bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện tốt quan điểm trên, Văn kiện đề ra bốn phương hướng nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong giai đoạn 5 năm 2021-2025: (1) Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; (2) Chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng; (3) Chủ động, phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (4) Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo.
Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đăng cai và tổ chức thành công nhiều hoạt động tôn giáo lớn, mang tầm quốc tế như: 3 lần đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Hội nghị thư ký diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP); Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) năm 2012 và năm 2023, các Đại hội hành hương La Vang (Quảng Trị)… thu hút chức sắc, tín đồ trong, ngoài nước học giả, chính khách các nước tham dự.
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, đáp ứng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và công tác quản lý nhà nước, ngày 1/12/2016, Quốc hội đã ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2018) vừa cụ thể hóa Nghị quyết số 25; khắc phục những hạn chế trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004); thể chế hóa Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tương thích với luật pháp quốc tế về tôn giáo, tính thống nhất, khả thi trong thực thi; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống xã hội, cũng như phát huy giá trị văn hóa đạo đức và nguồn lực của tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trên cơ sở Luật tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 30/12/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đến năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, ngày 29/12/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 162.
Với các hoạt động xã hội khác như y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, xây dựng… tín ngưỡng, tôn giáo cũng được quan tâm sửa đổi theo hướng ngày càng đồng bộ và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức tôn giáo.
Cùng với đó Việt Nam đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trong chấp hành pháp luật của mọi người dân, nhất là chức sắc, tín đồ và cán bộ làm công tác tôn giáo.

Quang cảnh sinh hoạt tôn giáo của đồng bào người Mông theo đạo Tin lành tại Cao Bằng (Nguồn: TTXVN)
Thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cùng những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên lĩnh vực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Về công nhận tổ chức. Việc xem xét công nhận tổ chức và đăng ký hoạt động cho các tôn giáo được quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo và là điểm nổi bật trong thực thi pháp luật của Việt Nam.
Điều này vừa bảo đảm quyền, hoạt động của tổ chức tôn giáo hợp pháp và sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, vừa bảo đảm môi trường hoạt động tôn giáo ổn định, hạn chế hoạt động lợi dụng tôn giáo của các tổ chức, cá nhân phi tôn giáo. Đến nay, Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động là 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo.
Các tôn giáo chưa được công nhận tổ chức thì được hướng dẫn cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Chỉ tính từ năm 2018 (khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực) đến nay Việt Nam, đã công nhận thêm 3 tổ chức tôn giáo (Giáo hội Phúc âm ngũ tuần Việt Nam và Phật hội Hiếu nghĩa Tà Lơn và Hội thánh phúc âm toàn vẹn Việt Nam); cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức (Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam; Giáo hội các Thánh hữu ngày sau Chúa Giêsu Kitô Việt Nam).
Việc tiếp tục xem xét công nhận tổ chức, cấp đăng ký hoạt động đối với các tôn giáo đủ điều kiện phản ánh sự quan tâm của Việt Nam trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền bình đẳng giữa các tôn giáo, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các địa phương.
Về công tác đào tạo. Cùng với việc chấp thuận tổ chức và đăng ký hoạt động là việc chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo thành lập trường, mở lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo có đủ nhân sự quản lý và tổ chức hoạt động. Cả nước có 65 cơ sở chuyên đào tạo chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo.
Tính đến tháng 12/2023, cả nước có trên 54,5 nghìn chức sắc, trên 144,7 nghìn chức việc, gần 30 nghìn cơ sở tôn giáo, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu hướng dẫn việc đạo cho tín đồ. Cùng với đó các cơ quan chức năng đã chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển, xây dựng sửa đổi hiến chương, điều lệ, đăng ký sinh hoạt tôn giáo hàng năm theo quy định của pháp luật.
Về hoạt động tôn giáo. Các tôn giáo hoạt động theo chương trình đã đăng ký với chính quyền dựa trên nghị quyết đại hội theo nhiệm kỳ, hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhiều hoạt động tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng như: Lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, lễ Hội Yến Diêu Trì Cung, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của các tôn giáo, lễ hội Kate, tháng Ramadan... thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham gia.

Buổi họp báo về kết quả phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2025, ngày 27/9/2024 tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: VGP)
Về đối ngoại tôn giáo. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Hoạt động đối ngoại diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, hội nghị, hội thảo đến việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như vấn đề truyền giáo…
Trong năm 2024, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ, nay thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo) đã giải quyết cho 49 đoàn với 325 người xuất cảnh ra nước ngoài và 23 đoàn với 458 người nhập cảnh, 36 khách nước ngoài gia hạn visa vào Việt Nam hoạt động tôn giáo.
Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đăng cai và tổ chức thành công nhiều hoạt động tôn giáo lớn, mang tầm quốc tế như: Phật giáo đã 3 lần đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Hội nghị thư ký diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP); Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần (FABC) năm 2012 và năm 2023 với chủ đề “50 năm FABC: nhìn lại các văn kiện và áp dụng”, các Đại hội hành hương La Vang (Quảng Trị)…; lễ kỷ niệm 200 năm Giáng sinh Giáo chủ Baha’u’llah, 100 năm ngày Hoằng Khai Đại Đạo Tam Kỳ phổ độ của Hội thánh Cao đài Tòa thánh Tây Ninh… thu hút chức sắc, tín đồ trong, ngoài nước học giả, chính khách các nước tham dự.
Những năm gần đây, người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, trong đó có tôn giáo chưa có ở Việt Nam hoặc không cùng tổ chức, hệ phái được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho phép thuê địa điểm để sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Hoạt động đối ngoại tôn giáo không chỉ mở rộng quan hệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo nâng cao vai trò, vị thế mà còn khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về chính sách tự do tôn giáo, quan tâm đến sinh hoạt tôn giáo của người dân; góp phần quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam có môi trường an ninh tốt, môi trường văn hóa - tâm linh lành mạnh và điểm đến hấp dẫn đầu tư và du lịch; là cơ sở trong đấu tranh, phản bác nhữn thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Văn kiện Đại hội Đảng XIII đề ra 4 phương hướng nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong giai đoạn 5 năm 2021-2025: (1) Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; (2) Chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng; (3) Chủ động, phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (4) Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuc-day-tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam-311946.html