Thúc đẩy ứng dụng KHCN, chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP
Sáng 19/7, Hội làm vườn Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội làm vườn và Trang trại Thanh Hóa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề 'Giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số (CĐS) và liên kết chuỗi trong phát triển các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực VAC ở miền Bắc.'
Diễn đàn có sự tham dự của các ông: Lê Quốc Doanh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; Phan Duy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội làm vườn Việt Nam; Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa; Võ Duy Sang, Chủ tịch Hội làm vườn và Trang trại Thanh Hóa cùng lãnh đạo Hội làm vườn và hội viên tiêu biểu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Phú Thọ và TP Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam nhấn mạnh, việc đẩy nhanh ứng dụng KHCN, CĐS, liên kết chuỗi vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất các sản phẩm OCOP nói riêng là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, đồng thời là giải pháp có tính bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
Báo cáo tại diễn đàn cho thấy, việc thúc đẩy ứng dụng KHCN, CĐS và liên kết chuỗi để phát triển các sản phẩm OCOP đang là xu hướng phát triển. Theo đó, các địa phương miền Bắc được xem là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực VAC, dựa trên sự phong phú về tài nguyên, các chính sách hỗ trợ người dân ngày càng có nhiều kinh nghiệm.
Tại Thanh Hóa, đến nay toàn tỉnh có 508 sản phẩm OCOP, trong đó có 450 sản phẩm OCOP 3 sao, 57 sản phẩm OCOP 4 sao, 1 sản phẩm OCOP 5 sao. Trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả về quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng (khoảng 15-20%). Để đạt được những kết quả nêu trên, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi và ứng dụng CĐS đóng vai trò quan trọng.
Bước đầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng KHCN, CĐS và liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các mô hình này đều sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng kỹ thuật sinh học, công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế biến và bảo quản sản phẩm. Đồng thời kết hợp ứng dụng công nghệ số vào trong quá trình quản lý sản phẩm và điều hành công việc.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đánh giá diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp cho nông dân những kiến thức mới để thay đổi tư duy, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp thời kỳ mới.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ về các nội dung như: Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP ở Việt Nam. Giải pháp thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tích hợp đa giá trị và nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của lĩnh vực kinh tế VAC. Lợi ích của việc ứng dụng KHCN, liên kết chuỗi và CĐS trong phát triển sản phẩm OCOP và định hướng cùng các chính sách nổi bật của các địa phương...
Trước đó, ngày 17 và 18/7, các đại biểu tham dự diễn đàn đã tham quan Trang trại tổng hợp Thảo Hiền (Quảng Hợp, Quảng Xương), Trang trại nuôi ốc nhồi Thiên Bảo, Trang trại Queen Farm (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) và Trang trại Tổng hợp hữu cơ Thiên Trường 36 (Đông Tiến, Đông Sơn).