Thúc đẩy vai trò của Liên Hợp quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu
Các chuyên gia mong muốn mở rộng quyền cho các quốc gia tham gia Liên Hợp quốc cũng như cải cách các cơ chế tham gia Liên Hợp quốc để duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới hiện nay.
Ngày 24/3, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò toàn diện của Liên Hợp quốc (LHQ) và Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ trong bối cảnh thế giới và khu vực đầy biến động”. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Đặng Xuân Thanh và đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tại Hội thảo, PGS. TS Chu Đức Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, từ những năm 1990 đến nay, HĐBA đứng trước sức ép phải cải cách ngày càng lớn để ứng phó tốt hơn đối với các thách thức toàn cầu đang ngày càng gia tăng, đa dạng và phức tạp. Một trong các vấn đề chỉ trích HĐBA là năm thành viên thường trực HĐBA (nhóm P5) có quyền phủ quyết đã thường xuyên lạm dụng các đặc quyền của mình.
Ông Dũng nhấn mạnh, cải cách HĐBA là chìa khóa để cải cách thành công LHQ, vì HĐBA là tổ chức quyền lực nhất trong LHQ. Từ Tổng Thư ký nhiệm kỳ 1992-1996 Boutros Boutros-Ghali và các Tổng Thư ký kế nhiệm đến hiện tại đều đã hành động để cải cách HĐBA. Tuy nhiên, không một phương án nào được đưa ra bỏ phiếu.
Trong khi tiến trình đàm phán cải cách HĐBA chưa đạt được kết quả nào đáng kể, cộng đồng quốc tế đã có nhiều sáng kiến thúc đẩy cải cách HĐBA theo hướng không cần sửa đổi Hiến chương LHQ. Xu hướng này có triển vọng được tăng cường. Đó là các cải cách phương pháp làm việc, chuẩn mực vận hành như các thỏa thuận không ràng buộc về hạn chế sử dụng quyền phủ quyết, các thỏa thuận về thủ tục tranh luận của HĐBA, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của HĐBA…
Trình bày tham luận “Triển vọng củng cố LHQ: Vai trò của Nhật Bản”, GS.TS Yasue Mochizuki (Đại học Kwansei Gakuin, Nhật Bản) cho biết, trong nhiều năm qua, mục tiêu của Nhật Bản là làm cho HĐBA trở nên hợp pháp, hiệu quả và mang tính đại diện hơn nữa trong việc phản ánh thực trạng của thế giới. Từ đó, Nhật Bản đã tham gia rất tích cực trong việc thúc đẩy “an ninh con người” cũng như tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Theo GS Yasue Mochizuki, đã có những cuộc thăm dò dư luận tại Nhật Bản về vai trò của Nhật Bản tại HĐBA. Qua đó cho thấy, dân chúng Nhật Bản rất ủng hộ nước này là thành viên không thường trực của HĐBA, nhất là đóng vai trò trong lực lượng gìn giữ hòa bình ở tổ chức này.
Lắng nghe báo cáo tham luận của các diễn giả đến từ Nhật Bản và Việt Nam, nhiều đại biểu đánh giá cao vai trò của LHQ trên thế giới hiện nay như chống đói nghèo, gìn giữ hòa bình... Các ý kiến mong muốn mở rộng quyền cho các quốc gia tham gia LHQ cũng như cải cách các cơ chế tham gia LHQ để duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới hiện nay.
Tham gia thảo luận, ông Phạm Hồng Tiến (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng, có thể hình dung LHQ như một “công ty cổ đông”, các thành viên LHQ có quyền được tạm xác định dựa trên mức độ góp vốn của họ. Vì vậy, các Nghị quyết của LHQ đều vô hiệu nếu một thành viên trong P5 sử dụng quyền phủ quyết nên nếu muốn gia tăng thành viên HĐBA hay bất cứ cải cách nào thì phải thuyết phục được nhóm P5 đồng ý. Theo ông, Đại hội đồng LHQ cần có quyền thông qua nghị quyết của mình theo một tỷ lệ nào đó (chẳng hạn là 3/4 thành viên LHQ tán thành) thì ngay cả quyền phủ quyết của nhóm P5 cũng bị phủ quyết, bảo đảm thực chất quyền lực của LHQ.
Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật Nguyễn Linh Giang thì chỉ rõ, LHQ đã dùng Hiến chương LHQ để giảm quyền lực của nhóm P5, như bãi bỏ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga năm 2022 và đây là cách làm đang có hiệu quả. Bà nhấn mạnh, thay vì bãi bỏ quyền phủ quyết của nhóm P5, nên nghiên cứu mở rộng quyền lực cho các cơ chế khác của LHQ.
GS Cù Chí Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, cũng quan niệm, phải có biến cố chính trị lớn mới có thể xuất hiện cơ hội cải cách LHQ, cải cách HĐBA. Còn trong bối cảnh hiện nay, thời điểm cải cách căn bản để LHQ giữ đúng vai trò duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới của mình chưa chín muồi.