Thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng

Trong thời đại công nghệ 4.0, khi các loại hình đa phương tiện chiếm ưu thế thì một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ đang 'hờ hững' với văn hóa đọc. Để khắc phục tình trạng này và thu hút người đọc, Thư viện tỉnh đã tích cực đổi mới, từng bước tạo điểm nhấn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

Thư viện tỉnh đã chú trọng đổi mới phương thức phục vụ với mục tiêu tăng lượt bạn đọc, tăng lượt luân chuyển sách, báo. Một trong những giải pháp được Thư viện đặt ra là nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thư viện, đồng thời tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thư viện ở cơ sở. Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, hằng năm đơn vị phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội Báo xuân, Ngày hội sách và văn hóa đọc, Triển lãm sách, báo giới thiệu sách mới theo các chủ đề; tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” để thu hút sự tham gia của nhiều độc giả trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các trường thường xuyên tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách, xây dựng những mô hình thư viện xanh trong trường học...

Học sinh điểm trường Đông Trai, trường Tiểu học Đông Thọ, xã Đông Thọ (Sơn Dương)
hào hứng đọc sách trong giờ ra chơi.

Thư viện tỉnh hiện có 427.556 bản sách, báo, tạp chí. Trung bình mỗi năm Thư viện phục vụ trên 91 nghìn lượt bạn đọc, duy trì trên 1.300 lượt thẻ thư viện. Thành phần độc giả đa số là học sinh, cán bộ và cán bộ hưu trí đến tra cứu thông tin, mượn sách, báo, tài liệu. Ông Ngô Đức Thanh, tổ 2, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho hay, đều đặn mỗi buổi chiều ông đến phòng đọc của thư viện để đọc báo, tạp chí. Với ông, sách là người bạn tốt nhất của tuổi già nên khi về nghỉ hưu, ngày nào ông cũng duy trì thói quen đọc sách, báo. Đọc sách giúp ông giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ và quên đi bệnh tật. Ông cũng nhắc nhở con cháu dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc các cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Như vậy mới hình thành được thói quen đọc sách trong giới trẻ.

Cùng với phục vụ bạn đọc tại thư viện, đơn vị chú trọng hoạt động liên kết phối hợp luân chuyển sách để xoay vòng ấn phẩm đến tay người đọc. Trung bình mỗi năm đơn vị luân chuyển gần 7.000 bản sách đến các trường học, điểm bưu điện văn hóa xã, Trại giam Quyết Tiến và các tủ sách cơ sở. Trong quá trình luân chuyển sách, cán bộ thư viện đã tìm hiểu, chủ động tham khảo ý kiến của bạn đọc để lựa chọn, bổ sung vốn tài liệu phù hợp, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Năm 2019, Thư viện tỉnh được tài trợ xe ô tô thư viện lưu động đa phuơng tiện phục vụ sách ở cơ sở. Có xe chuyên dụng, việc phục vụ độc giả ở cơ sở được tổ chức thường xuyên hơn. Trung bình mỗi năm đơn vị tổ chức gần 90 chuyến xe lưu động phục vụ gần 45 nghìn lượt học sinh tại các trường, các điểm khu dân cư.

Ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách sẽ giúp phát triển tốt hơn sự hiểu biết, vốn sống. Em Dương Thị Quỳnh Mai, lớp 7C, trường THCS Hồng Thái cho biết, mỗi tuần em đều đến thư viện tỉnh vào thứ 6 và những ngày không phải đi học. Em thấy đến thư viện rất bổ ích vì được tham khảo, bổ sung nhiều kiến thức mới. Ngoài đọc truyện em còn mượn sách tham khảo về nhà và tới phòng truy cập Internet tại thư viện để tìm kiếm những thông tin hữu ích phục vụ việc học tập.

Để hình thành văn hóa đọc, mỗi người cần ý thức xây dựng thói quen đọc sách cho chính mình và chủ động tìm đến sách như một món ăn tinh thần bổ ích. Và hơn ai hết, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho con em mình ngay từ khi còn nhỏ. Bởi, chỉ có như vậy mới xây dựng được nền tảng vững chắc, tạo niềm đam mê với sách cho mỗi người trong tương lai.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/thuc-day-van-hoa-doc-trong-cong-dong-140745.html