Thúc đẩy vốn xã hội hóa vào phát triển cơ sở hạ tầng

Nguồn vốn xã hội hóa đã có những đóng góp nổi bật trong phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ta. Những ưu thế về cơ chế quản lý cùng sự lớn mạnh của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) giúp việc triển khai xã hội hóa vào dự án hạ tầng đạt nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, đòi hỏi về cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch, ổn định lâu dài.

Giúp cải thiện hạ tầng nhanh chóng

Những ngày cuối tháng 9-2019, dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng, sẵn sàng thông xe kỹ thuật. Đây là một trong những tuyến đường cao tốc hiện đại được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Từ khi khởi động lại vào tháng 6-2017, dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đã được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành chỉ sau hai năm. Một trong những điểm sáng giúp dự án triển khai thuận lợi là nhờ bổ sung thêm nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm thi công. Cùng với việc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham gia dự án và nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương nơi dự án đi qua, nhiều vướng mắc liên quan đến hợp đồng tín dụng, lãi vay, xử lý nhà thầu yếu kém, giải phóng mặt bằng... từng bước được giải quyết, không chỉ bù đắp khoảng thời gian đình trệ trước đó, mà còn sớm đưa tuyến đường về đích.

Thời gian qua, nhiều công trình giao thông quy mô lớn được hoàn thành, đưa vào sử dụng mang dấu ấn đậm nét của việc huy động DNTN tham gia, như: Tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay đầu tiên tại Việt Nam do DNTN đầu tư và vận hành, khai thác. Giao thông vận tải (GTVT) là lĩnh vực có số dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa nhiều nhất trong số các lĩnh vực phát triển hạ tầng. Trong đó, DNTN tham gia dưới hình thức đối tác công-tư (PPP). Mô hình đầu tư PPP bắt đầu xuất hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 77-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, áp dụng cho đầu tư trong nước.

 Đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn chạy song song với Quốc lộ 1A vừa được hoàn thành, đủ điều kiện thông xe toàn tuyến. Ảnh: ĐÌNH HÒA

Đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn chạy song song với Quốc lộ 1A vừa được hoàn thành, đủ điều kiện thông xe toàn tuyến. Ảnh: ĐÌNH HÒA

Báo cáo của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP cho thấy: Đến nay, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, huy động hơn 1,6 triệu tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Các dự án PPP được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm, như: GTVT, năng lượng, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải. Trong đó, lĩnh vực GTVT có 220 dự án (chiếm 65,47%), 18 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng (chiếm 5,35%), 18 dự án thuộc lĩnh vực cấp nước, thoát nước, môi trường (chiếm 5,35%)... Theo PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam: Tác động tích cực nhất của hợp tác công-tư là mở ra cơ hội, điều kiện huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy hoạt động của khu vực tư nhân đóng góp trách nhiệm cùng với Nhà nước xây dựng và khai thác các công trình, hạng mục, dự án công.

Đánh giá về các dự án PPP, Chính phủ khẳng định, mặc dù trong thời gian đầu triển khai còn có những hạn chế, tồn tại, nhưng các công trình, dịch vụ hình thành từ dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Các yếu tố này góp phần tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể của Việt Nam cũng được thăng hạng qua từng năm theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, lâu dài

Theo PGS, TS Trần Chủng: Thực tế triển khai các dự án PPP thời gian qua đã bộc lộ những vướng mắc về thể chế, chính sách. Các vấn đề nổi bật là công tác lựa chọn nhà đầu tư, công bố các dự án, quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư, quản lý dự án, vấn đề chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư còn xảy ra nhiều xung đột mà chưa có chế tài khắc phục. Ngoài ra, vướng mắc về phương án tài chính, vay vốn tín dụng và đặc biệt là bất cập của các trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, mức phí dịch vụ đã đặt ra không ít khó khăn.

Đại diện một trong những nhà đầu tư tham gia nhiều dự án BOT trọng điểm của ngành giao thông, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho rằng: "Việc thường xuyên thay đổi chính sách đầu tư BOT theo hướng quản lý của vốn ngân sách nhà nước gây ảnh hưởng lớn đến quản lý dự án, đồng thời không phù hợp với thông lệ quốc tế và không hấp dẫn các nhà đầu tư. Các cam kết thỏa thuận hỗ trợ của Nhà nước còn nhiều rủi ro, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ngoài việc không thực hiện cam kết trong hợp đồng còn gây thêm áp lực khó khăn về tài chính cho dự án. Ví dụ, dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã thực hiện từ 10 năm nay nhưng vẫn đang chậm trễ. Nhà đầu tư đã bố trí 3.400 tỷ đồng vốn tự có, tương đương 27,5% tổng mức đầu tư dự án nhưng ngân hàng vẫn chưa giải ngân vốn tín dụng. Do vậy, dự án chưa thể đẩy nhanh tiến độ thi công". Ông Hồ Minh Hoàng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước ứng xử với nhà đầu tư như một đối tác, thật sự công bằng, tuân thủ hợp đồng và xử lý xung đột thông qua đàm phán, tránh đưa ra văn bản hành chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Theo kiến nghị của các nhà đầu tư, một trong những vấn đề mấu chốt để tạo sự ổn định, lâu dài trong chính sách thu hút vốn vào hạ tầng là cần sớm có luật về PPP. PGS, TS Trần Chủng kiến nghị: Luật về PPP cần phân định rõ sự khác biệt giữa đầu tư công và đầu tư PPP; cần có quy định riêng về sử dụng vốn của Nhà nước và của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần có quy định về chia sẻ rủi ro trong hợp đồng BOT, phân tích kỹ các loại rủi ro và giải pháp xử lý. Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cũng nhìn nhận, các vấn đề liên quan đến bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá để chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, hiện nay pháp luật chưa có quy định. Đây là một trong những lý do nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài chưa tham gia vào dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự thảo luật đã có những quy định chi tiết về từng khâu trong quá trình triển khai dự án PPP, từ chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư đến thành lập doanh nghiệp dự án, ký hợp đồng, thực hiện dự án. Một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu. Thông qua các cơ chế này, nhà đầu tư được chia sẻ một phần rủi ro khi dự án hụt thu trong thực tế. Đồng thời, Chính phủ sẽ được nhận lại một phần nếu dự án tăng thu. Dự thảo luật đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đặc biệt là vấn đề đồng bộ với hệ thống chính sách pháp luật hiện hành. Những quy định của dự thảo luật sẽ còn được tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Quốc hội với mong muốn xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ để triển khai dự án PPP hiệu quả.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-von-xa-hoi-hoa-vao-phat-trien-co-so-ha-tang-592338