Thức đêm gói bánh chưng thuê

Tết Tân Sửu 2021 đã cận kề, đây là thời điểm mà những cơ sở gói bánh chưng bận rộn nhất trong năm.

Ông Nguyễn Văn Can ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) gói bánh chưng đẹp nên được nhiều người thuê

Ông Nguyễn Văn Can ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) gói bánh chưng đẹp nên được nhiều người thuê

Để có thể trả hàng cho khách đúng hạn, hầu hết các cơ sở phải thuê thêm người phụ giúp, tranh thủ cả ban đêm để làm.

Mỗi ngày đút túi 300.000 – 500.000 đồng

Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Can ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) lại đi gói bánh chưng thuê cho một số chủ cơ sở ở cùng địa phương và thị trấn Gia Lộc. Ông Can có khả năng gói vo rất nhanh, không cần khuôn, hình thức đẹp nên chủ cơ sở nào cũng muốn thuê. Ông cho biết gói bánh chưng không phải nghề chính nhưng nó lại đem về khoản thu nhập đáng kể để trang trải dịp Tết.

Từ sáng 5.2 (24 tháng chạp), ông Can bắt đầu đi gói bánh chưng thuê. Thời gian gói bánh chưng Tết chỉ diễn ra trong vài ngày nên gần như ông làm việc liên tục. “Năm nay chắc cũng vẫn như mọi năm sẽ phải làm suốt từ sáng đến đêm. Tôi ăn ngủ tại nhà chủ luôn. Mỗi ngày thu nhập được 300.000 đồng, nếu làm thêm ban đêm thì bỏ túi 500.000 đồng”, ông Can cho biết.

Những ngày này, các cơ sở gói bánh chưng Tết ở nhiều địa phương trong tỉnh đang hoạt động hết công suất. Dịp cận Tết năm ngoái trời rét nên từ 23 tháng chạp, các cơ sở đã bắt đầu gói bánh với số lượng lớn để giao cho khách. Năm nay thời tiết ấm hơn nên các chủ cơ sở phải gói bánh muộn hơn để tránh việc để quá lâu sẽ bị nấm mốc, ôi thiu hoặc lại gạo. Chủ một số cơ sở cho biết họ sẽ tập trung gói bánh với số lượng lớn từ ngày 26-27 Tết theo nhu cầu của người đặt. Thời gian ngắn lại phải gói với số lượng lớn nên họ không dám nhận nhiều hoặc phải thuê thêm người phụ giúp.

Tết này, cơ sở gói bánh chưng của bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Cam Lộ, xã Tân Việt (Thanh Hà) sẽ gói khoảng 1.000 chiếc bánh chưng theo đơn đặt hàng, giảm 400 – 500 chiếc so với Tết năm ngoái. Bà phải thuê thêm 10 lao động để phụ giúp, trong đó có 4 người gói, 6 người phụ lau lá dong, chuẩn bị các phần việc khác. Tất cả những người này đều là lao động địa phương. “Năm nay do thời tiết ấm nên nhà tôi chỉ còn 3 ngày để gói và giao bánh nên phải thuê nhiều lao động. Chắc chắn sẽ phải tổ chức gói bánh cả đêm. Mà làm cả ban đêm thì tiền công trả cho mỗi người phải từ 400.000 – 500.000 đồng, chưa tính cơm nuôi”, bà Lan chia sẻ.

Tranh thủ gói bánh chưng thuê mấy ngày cận Tết, mỗi người sẽ có thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng. Với những người có điều kiện kinh tế thì số tiền này chỉ đủ để mua cây quất, cành đào về chơi Tết. Song với những gia đình kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh thì đây là một khoản đáng kể để giúp họ giảm bớt áp lực chi tiêu ngày Tết. Anh Phạm Công Chung gói bánh chưng thuê cho một cơ sở ở TP Hải Dương cho biết trước từng làm công nhân bốc dỡ hàng hóa cho một hãng xe tải nhưng đã mất việc từ năm ngoái. Dịch Covid-19 làm chủ cơ sở chỗ anh làm buộc phải cắt giảm lao động. Mấy tháng qua, anh Chung chưa tìm được việc gì phù hợp, kinh tế cả nhà phụ thuộc vào một mình người vợ đang làm công nhân tại khu công nghiệp Đại An. Vừa rồi bạn anh Chung bảo có bà cô đang tìm người gói bánh chưng Tết, tiền công 350.000 đồng/ngày, bao ăn trưa. Anh lên gói thử, chủ cơ sở ưng ý nên nhận luôn. “Tôi bắt đầu gói từ hôm 21 tháng chạp và đến hết ngày 29 Tết sẽ nghỉ. Làm mấy ngày Tết mà được hơn 3 triệu để tiêu cũng ổn”, anh Chung nói.

An toàn chống dịch

Tết năm ngoái, bà Lan gói bánh chưng thuê cho cả người quen ở Hà Nội, Hải Phòng, TP Hải Dương. Tết năm nay khách ở những nơi này vẫn gọi điện về đặt nhưng bà đành phải từ chối vì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. “An toàn là trên hết, chứ vì lợi nhuận mấy chiếc bánh mà liên lụy đến cả gia đình và dân làng thì không còn mặt mũi đâu. Giờ làm gì thì làm nhưng quan trọng nhất vẫn là phải chấp hành nghiêm quy định của chính quyền thì cuộc sống bình yên mới sớm trở lại được”, bà Lan giãi bày.

Nhà bà Lan có khoảng sân rộng. Bà yêu cầu tất cả lao động làm thuê phải đeo khẩu trang, găng tay, ngồi giãn cách. Nếu ai có biểu hiện ho, sốt, rát họng thì ở nhà, không đi làm và phải nhanh chóng khai báo với chính quyền.

Nhiều cơ sở gói bánh chưng Tết khác cũng quan tâm phòng chống dịch bệnh trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ông Đinh Văn Huy, chủ một cơ sở gói bánh chưng ở TP Hải Dương thông tin: “Mọi năm khách tự đến lấy bánh chưng. Năm nay do dịch bệnh nên khách cung cấp địa chỉ, nhà tôi sẽ tự đến giao hàng. Tôi cũng lập thẻ ngân hàng để cho khách hàng có thẻ chuyển trả tiền, hạn chế tiếp xúc”.

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/thuc-dem-goi-banh-chung-thue-158580