Thúc giục Mỹ - Trung cùng chống đại dịch
Một nhóm gồm 100 nhà khoa học, học giả Trung Quốc vừa ký thư ngỏ kêu gọi Mỹ và Trung Quốc chấm dứt trò đổ lỗi chính trị để hợp tác chống đại dịch COVID-19.
Những người ký vào thư, trong đó có nhiều nhà ngoại giao nghỉ hưu và học giả trong nhiều ngành khác nhau như khoa học chính trị, quan hệ quốc tế, xã hội học, cho rằng, nguồn gốc dịch bệnh vẫn chưa được làm rõ, nhưng cáo buộc lẫn nhau không giúp ai được lợi mà ngược lại. Các nước nên dừng “phàn nàn, đổ lỗi cho nhau”, thay vào đó cần hợp tác để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng hiện nay, thư kiến nghị viết. “Cãi vã chính trị không đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của quan hệ Mỹ - Trung, cũng không giúp người dân trên thế giới hiểu đúng và đối phó với đại dịch”, các học giả viết trong thư kiến nghị được đăng trên tạp chí The Diplomat.
Trong nhiều tuần qua, giới chức Mỹ và Trung Quốc cãi vã về nguồn gốc virus corona mới, được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm ngoái rồi lan ra khắp thế giới, đến nay đã lây cho hơn 1 triệu người, giết chết gần 53.000 người. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần dùng tên “virus Trung Quốc”, còn các chính trị gia khác của Mỹ cho rằng, virus này được tạo ra trong một phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gợi ý rằng, quân đội Mỹ đã mang virus này đến Trung Quốc.
Bức thư ngỏ nói trên là ý tưởng của ông Wang Wen, Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu tài chính Sùng Dương tại ĐH Nhân dân Bắc Kinh. Ông Wang nói rằng, bức thư không chỉ nhằm thể hiện tầng lớp trí thức tinh hoa của Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy đoàn kết và giảm căng thẳng, mà còn để nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là cứu mạng người. “Trong thư, chúng tôi không chỉ trích bất kỳ ai hay nhắc đến bất kỳ cái tên nào. Chúng tôi không muốn đổ thêm dầu vào lửa cho những tranh cãi và đối đầu hiện nay nữa”, báo SCMP dẫn lời ông Wang.
Các học giả nói rằng, sau nhiều tháng chiến đấu với virus corona mà thấy tình hình trong nước được cải thiện, Trung Quốc giờ muốn chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức với các nước khác đang bị dịch bệnh tấn công. Trung Quốc đang thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 và dự kiến công bố kết quả vào cuối tháng này. Chen Wei, chuyên gia dịch tễ và virus hàng đầu tại Viện Khoa học quân y Trung Quốc, nói với báo China Daily rằng, nếu kết quả ban đầu chứng minh vắc-xin an toàn và mang lại tác dụng mong muốn, Trung Quốc sẽ tìm cách thử nghiệm hiệu quả của vắc-xin ở nước ngoài vì số lượng bệnh nhân COVID-19 ở trong nước không đủ lớn để thử nghiệm.
Nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming, nói rằng, điều lý tưởng nhất là các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc hợp tác cùng phát triển vắc-xin. “Vũ khí lợi hại nhất để chống đại dịch là sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, gạt đi những bất đồng về chính trị”, SCMP dẫn lời ông Zhou. “Giờ thì toàn bộ thế giới, không riêng Mỹ hay Trung Quốc, đang đối mặt với kẻ thù chung là COVID-19”, ông Zhou nói.
Ðỉnh dịch có thể vào cuối tháng này
Ông Chung Nam Sơn, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Trung Quốc, vừa dự báo rằng, đại dịch COVID-19 có thể được kiểm soát vào cuối tháng này, nhưng cũng không chắc có bùng lên một đợt nữa vào mùa Xuân năm sau hay không. “Khi tất cả các nước áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả và quyết liệt, tôi tin rằng dịch bệnh sẽ được khống chế. Ước tính của tôi là vào cuối tháng 4”, ông Chung nói trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Thâm Quyến.
“Sau cuối tháng 4, không ai có thể nói chắc chắn liệu có xảy ra một đợt bùng phát dịch vào mùa Xuân năm sau hay nó sẽ biến mất khi thời tiết ấm lên… dù hoạt động của virus chắc chắn sẽ suy giảm khi nhiệt độ tăng lên”, ông Chung nói. Chuyên gia này không cho biết ông dựa vào đâu để đưa ra dự báo đó, nhưng nhiều chuyên gia ước tính khoảng thời gian tương tự, dựa trên diễn biến dịch ở Mỹ và châu Âu.
Ông Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới, tuần này nói rằng, đã có những dấu hiệu dịch bệnh đang ổn định dần ở châu Âu, khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng từ tháng trước phát huy tác dụng. Tại Mỹ, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe thuộc ĐH Washington nói rằng, các bệnh viện có thể đối diện đỉnh dịch COVID-19 vào khoảng ngày 20/4.