Thực hành dân chủ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập vấn đề dân chủ, dân làm chủ, dân chủ trong Đảng, dân chủ trong lãnh đạo quản lý, dân chủ trong xã hội.
Bản thân Người cũng là một hình mẫu “nói đi đôi với làm” trong thực hành dân chủ. Những quan điểm, bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân; mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về Nhân dân; Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ. Đất nước hưng thịnh, thành bại đều do vai trò của Nhân dân quyết định, “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Vấn đề dân chủ thể hiện ở chỗ, mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại đều phải được Nhân dân bàn bạc, quyết định.
Thực tế cho thấy, trong quá trình quản lý xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao tính dân chủ, luôn đặt vai trò của Nhân dân là trung tâm, hướng đến phục vụ; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân luôn được tôn trọng, bảo vệ. Khi bản chất nhà nước thuộc về Nhân dân, cán bộ, công chức là người phục vụ xã hội, lúc đó, sức mạnh của xã hội, sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của quốc gia, dân tộc là cực kỳ to lớn, không một thế lực nào có thể ngăn cản được.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và trong lao động sản xuất. Mọi người dân đều tích cực lao động sản xuất để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, người dân còn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương phát động; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị các cấp; đóng góp xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật để quản lý và điều chỉnh xã hội.
Vấn đề đặt ra về dân chủ đó là: Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, hợp lòng dân, được Nhân dân đồng tình cao trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vấn đề đặt ra khi nơi thì công khai, minh bạch, thực hiện đúng, đủ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Song, vẫn có nơi cố tình làm sai, làm trái, méo mó, người dân bị vi phạm quyền dân chủ, tạo lợi ích nhóm cho một nhóm cá nhân hay một nhóm người có quyền lực trong xã hội. Từ đó dẫn đến xảy ra xung đột trong xã hội, người dân khiếu kiện phức tạp kéo dài, tạo ra những “điểm nóng” gây mất ổn định xã hội, làm suy giảm niềm tin vào Đảng, nguy cơ mất kiểm soát quyền lực nhà nước, nguy cơ cho sự tồn vong của chế độ. Những biểu hiện như vậy phải được kiên quyết loại bỏ, kiên quyết lên án và phải nghiêm trị những cá nhân, tổ chức vi phạm dân chủ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Việc thực hiện dân chủ trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội là một trong những nội dung cần được hết sức quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc; tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc, đóng góp nhiều thành tựu cho xã hội. Từ thực tế cho thấy, các cơ quan, đơn vị đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp, ban hành quy chế hoạt động của ban chỉ đạo, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị; quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị... Nhiều cơ quan, đơn vị đã trở thành hình mẫu trong việc thực hiện dân chủ. Bên cạnh đó, vẫn có một số cơ quan, đơn vị triển thực hiện dân chủ chưa tốt, còn qua loa, chiếu lệ; hồ sơ, sổ sách về thực hiện dân chủ chưa đầy đủ; trong lãnh đạo điều hành cơ quan, đơn vị còn vi phạm dân chủ, thủ trưởng, lãnh đạo quản lý độc đoán, chuyên quyền; còn tình trạng tham ô, tham nhũng xảy ra; cán bộ, công chức chưa được tham gia ý kiến góp ý trong triển khai các nội dung công việc; vẫn có những cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng nội bộ mất đoàn kết, vẫn còn tình trạng đơn thư nặc danh gửi đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền...
Để tiếp tục thực hiện dân chủ rộng rãi trong toàn xã hội, thiết nghĩ, cấp ủy các cấp cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về yêu cầu, bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ; tiếp tục kiểm điểm nghiêm túc việc thực hiện nguyên tắc này một cách toàn diện, sâu sắc theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến quyền làm chủ của Nhân dân trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nêu cao tinh thần gương mẫu trong thực hành dân chủ, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để cán bộ, đảng viên và người dân phát huy dân chủ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương về thực hành dân chủ trong xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng nói chung, nghị quyết, chương trình hành động của cơ quan, đơn vị nói riêng. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và những ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân. Kiên quyết xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai những đơn vị, cá nhân tham nhũng; đồng thời bảo vệ những người dân đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thường xuyên lấy ý kiến nhận xét của Nhân dân về tư cách đạo đức của cán bộ, đảng viên nơi cư trú.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho người dân. Thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân; triển khai có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp; thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu về thực hiện dân chủ.