Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý Nhà nước về Giao thông vận tải
Là cơ quan chuyên môn, có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải (GTVT), những năm qua công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng ủy, lãnh đạo Sở GTVT quan tâm chỉ đạo thường xuyên sâu rộng đến toàn thể cán bộ, Đảng viên. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Là cơ quan chuyên môn, có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải (GTVT), những năm qua công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng ủy, lãnh đạo Sở GTVT quan tâm chỉ đạo thường xuyên sâu rộng đến toàn thể cán bộ, Đảng viên. Ngay từ đầu năm Sở đã xây dựng và ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi hiện tượng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, thời gian và nhân lực trong các phòng, ban đơn vị.
Trong giai đoạn 2016-2021, Sở GTVT ban hành 6 chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hàng năm 100% các đơn vị trực thuộc đều xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế quản lý sử dụng tài sản công tại đơn vị; quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của Sở GTVT; Quy định về việc quản lý sử dụng xe ô tô chuyên dụng tại các đơn vị Thanh tra Sở, Trường Trung cấp GTVT Nam Định. Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước, Sở GTVT đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, thiết kế công trình; lập, thẩm định, phê duyệt dự toán công trình; lựa chọn nhà thầu thi công, tổ chức tư vấn giám sát thi công; thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình; thực hiện thanh toán và quyết toán vốn. Trong 5 năm (2016-2021) Sở GTVT đã thẩm định 27 dự án mới, tổng mức đầu tư do chủ đầu tư trình là 3.776,6 tỷ đồng, tổng mức đầu tư sau thẩm định là 3.740,3 tỷ đồng, giảm 36,3 tỷ đồng. Số thiết kế xây dựng mới sau thiết kế cơ sở (bao gồm cả báo cáo kinh tế kỹ thuật) đã được Sở thẩm định là 191 công trình, trong đó giá trị dự toán chủ đầu tư trình là 5.069,4 tỷ đồng, giá trị dự toán sau thẩm định là 4.873,9 tỷ đồng, tiết kiệm được 195,5 tỷ đồng. Sở GTVT đã thực hiện tốt công tác lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Đã tổ chức lựa chọn 353 gói thầu do Sở GTVT quản lý, điều hành với tổng giá trị 228 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 225 tỷ đồng, chênh lệch 2,9 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm trung bình trong giai đoạn khoảng 1,28% so với giá trị mời thầu.
Thực hiện Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16-1-2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng, Sở GTVT đặc biệt chú trọng công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng theo lộ trình; tỷ lệ gói thầu cũng như giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng ngày càng tăng cao qua từng năm, từ 46% năm 2019 lên 100% năm 2021. Trong giai đoạn 2016-2021, công tác đấu thầu ngày càng chuyên nghiệp hơn, qua đó đã lựa chọn được các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu, góp phần tiết kiệm, tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong lĩnh vực đầu tư, bảo trì, quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cũng đạt những kết quả khả quan. Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2021 hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm huyết mạch kết nối liên hoàn hệ thống đường bộ quốc gia, khu vực và địa phương đã và đang đầu tư xây dựng đảm bảo phục vụ việc đi lại thuận tiện của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy hoạch được duyệt, hàng năm Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn vốn chi sự nghiệp để thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ (trung bình 20 triệu đồng/km/năm đối với đường tỉnh; trung bình 50 triệu đồng/km/năm đối với các tuyến quốc lộ được giao quản lý) kịp thời khắc phục các hư hỏng nhỏ ngay khi mới xuất hiện, tăng tuổi thọ khai thác các công trình đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng chống lụt bão. Đối với các tuyến đường tỉnh, Sở GTVT ủy quyền cho phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện thực hiện, theo đó các đơn vị đã tổ chức thực hiện quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh được ủy quyền đảm bảo theo các quy định. Đối với các tuyến Quốc lộ: 21, 21B, 37B, 38B do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) ủy quyền, Sở đã tổ chức lựa chọn nhà thầu với các đơn vị có đủ năng lực để thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên. Ngoài ra, hàng năm để nâng cao chất lượng khai thác các tuyến đường, góp phần cải tạo kết cấu hạ tầng đảm bảo giao thông, UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác sửa chữa định kỳ, đột xuất kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ góp phần cải tạo, nâng cấp hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có kết cấu mặt đường đạt tiêu chuẩn cấp cao A1, bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, hệ thống rãnh thoát nước,... Các tuyến đường giao thông huyết mạch đã kết nối với các tuyến đường giao thông nông thôn tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, đáp ứng yêu cầu tăng năng lực vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án đầu tư, bảo trì, khai thác sửa chữa, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo giao thông thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành. Các công trình đều được thực hiện đảm bảo về chất lượng tiến độ.
Đồng chí Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Sở GTVT tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về GTVT. Theo đó, Sở GTVT chủ trương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật, Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của tỉnh về các giải pháp cụ thể liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, thường xuyên kiểm tra công tác cải cách hành chính và thanh tra công vụ. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra theo chương trình, kế hoạch nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính được kịp thời, đúng quy định; phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm hàng năm cao hơn so với kế hoạch năm và năm sau cao hơn năm trước để góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về GTVT được giao./.
Bài và ảnh: Thành Trung