Thực hành tiêu chuẩn ESG - Bài 1: Chuyển mình theo xu thế toàn cầu

Tại COP26, Việt Nam cam kết với quốc tế thực hiện mục tiêu Netzero vào năm 2050.

Toàn cảnh dự án điện gió Nam Bình 1 với 9 trụ tua bin đã hoàn thành việc lắp đặt. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Toàn cảnh dự án điện gió Nam Bình 1 với 9 trụ tua bin đã hoàn thành việc lắp đặt. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Trong bối cảnh là một nền kinh tế đang phát triển, thực sự đây là một thách thức và là bài toán rất lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi không chỉ Chính phủ, doanh nghiệp, mà tất cả người dân phải cùng chung tay mới có thể thực hiện được cam kết này. Trong các giải pháp, thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) chính là chìa khóa góp phần thực hiện mục tiêu Chính phủ đã đặt ra.

Bài 1: Xu thế toàn cầu

ESG là bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Việc thực hiện ba trụ cột này hiện đang là xu thế của toàn cầu nhằm đạt đến mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng có mặt trái, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận thức rõ để có cách thức thực hiện phù hợp, tránh được các rủi ro, bất lợi do mặt trái này mang lại.

Xu thế toàn cầu

Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, thuộc Công ty KPMG – một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới cho biết: Khoảng 5 năm gần đây, xu hướng đầu tư trên thị trường toàn cầu đã có sự thay đổi. Trước đây, các nhà đầu tư chỉ chú ý vào báo cáo tài chính, thì nay, họ còn dựa vào báo cáo ESG để ra quyết định đầu tư hay mua sản phẩm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đó có thể có lợi nhuận cao, nhưng điều kiện lao động tồi tệ, gây ảnh hưởng xấu cho môi trường,… sẽ không được các nhà đầu tư quan tâm.

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước đây mở cửa tự do cho việc di chuyển hàng hóa và vốn giữa các quốc gia. Nhưng hiện nay, các nước phát triển đã hình thành luật chơi mới về thương mại. Việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động phụ thuộc vào các tiêu chuẩn ESG. Các nước bắt buộc các công ty đa quốc gia phải có báo cáo ESG. Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết với các nước phát triển thời gian gần đây đều kèm theo các yêu cầu về thực hiện phát triển bền vững.

Theo ông Thọ, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là các hộ nông dân Việt Nam nghĩ rằng ESG không ảnh hưởng đến mình, nhưng thực chất thế giới đã chuyển qua yêu cầu xanh là số 1, chất lượng là số 2, giá là số 3. Các thị trường lớn có thể sẵn sàng từ bỏ 1% thị phần của Việt Nam để tập trung bảo vệ 99% thị phần còn lại của họ.

Các doanh nghiệp sẽ cảm nhận được điều này khi đơn hàng trong chuỗi cung ứng bị mất, như: Năm 2017, Việt Nam đã nhận thẻ vàng của EU do khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Cuối năm 2022, số đơn hàng dệt may Việt Nam bị giảm mạnh do chưa cạnh tranh kịp về chuyển đổi xanh.

Từ đầu năm sau, hàng nông sản xuất khẩu sang EU nếu có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31/12/2020 sẽ không được nhập khẩu vào EU. Đầu năm 2026, EU chính thức áp dụng biên giới carbon (CBAM). Mỹ và các nước khác cũng đã đưa ra Luật Cạnh tranh sạch. Vương quốc Anh cũng đang chuẩn bị ban hành luật tương tự CBAM.

Dự kiến tháng 9 tới, Việt Nam sẽ ký kết Hiệp ước nhựa toàn cầu và sau khi hiệp ước này được ký kết, Việt Nam sẽ phải theo dõi dấu chân nhựa, hạch toán nhựa, chống và giảm phát thải nhựa. Ngoài ra, thế giới cũng đang hướng tới việc theo dõi dấu chân đa dạng sinh học và sẽ có tín chỉ đa dạng sinh học.

Theo ông Thọ, mặc dù các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa bị bắt buộc phải làm báo cáo ESG, nhưng về tiềm năng thị trường trong tương lai, họ có thể bị loại bỏ khỏi cuộc chơi nếu không quan tâm đến việc thực hành ESG.

Chuyển mình theo xu hướng

Ông Trương Vĩnh Khang, Trưởng Bộ phận phát triển bền vững Công ty BSI Việt Nam, thuộc Viện tiêu chuẩn Anh - đơn vị chuyên đánh giá, chứng nhận toàn cầu cho rằng, để có thể chuyển mình theo xu hướng phát triển bền vững, ESG là một cách thức để các doanh nghiệp có thể hình dung và tiếp cận dễ dàng nhất đối với các yêu cầu phát triển bền vững của thị trường.

Các tổ chức tiêu chuẩn có thể vạch ra cho doanh nghiệp những cái gạch đầu dòng, những chủ đề nhỏ hơn trong E, trong S, trong G để doanh nghiệp có những cam kết và thực hiện thay đổi tổ chức của mình một cách hiệu quả, không còn đơn thuần quan tâm nhiều đến lợi ích bao nhiêu, mà vấn đề là cái dòng lợi ích đó có ổn định, bền vững, lâu dài hay không. Và sự thay đổi này hoàn toàn phù hợp với khẩu vị của các nhà đầu tư thế giới hiện nay. Chính vì vậy, việc bắt đầu thực hành ESG là yếu tố hết sức quan trọng, nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư.

Thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp có tính cạnh tranh cao hơn, rủi ro thấp hơn; có thể tăng trưởng thị phần, giảm chi phí, giảm áp lực về pháp lý; nâng cao năng suất, đầu tư và tối ưu hóa tài sản. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó cũng có mặt trái là tình trạng tẩy xanh mà các doanh nghiệp cần nhận thức rõ để có chiến lược hành động ESG phù hợp.

Theo ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty TUV NORD Việt Nam, thuộc Tập đoàn TUV NORD - đơn vị chuyên về kiểm định, đánh giá cấp chứng nhận toàn cầu, tẩy xanh là một hiện tượng khi các doanh nghiệp cố tình đánh lừa công chúng và nhà đầu tư bằng cách cố tình cung cấp thông tin sai lệch hoặc phóng đại về các hoạt động bền vững của họ.

Việc tẩy xanh có thể gây hại cho môi trường; làm mất lòng tin của người tiêu dùng, nhà đầu tư; ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Do vậy, các nước trên thế giới đã có luật về chống tẩy xanh như EU, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Singapore, Malaysia, Nhật Bản,…

Theo ông Khuê, hiện nay có tình trạng tranh sáng, tranh tối, ai cũng làm và cũng tuyên bố ESG nhưng không theo bộ khung tiêu chuẩn ESG cụ thể nào; không có bên thứ 3 độc lập kiểm chứng, đánh giá, xác nhận; xác định chủ đề trọng yếu không có sự tham vấn các bên liên quan; bỏ bớt dữ liệu hoặc sử dụng dữ liệu giả định quá nhiều; báo cáo ESG của một số tập đoàn đúng ra phải cực kỳ phức tạp, nhưng lại bị đơn giản hóa, làm cho nó dễ hiểu hơn với công chúng mà bỏ qua rất nhiều mối liên kết giữa E, S và G; việc thiếu giám sát của các cơ quan chức năng khiến doanh nghiệp thiếu trách nhiệm tuân thủ các cam kết; … nên không thể kiểm chứng và so sánh các báo cáo ESG.

Tiến sỹ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là vừa và nhỏ, phải hết sức thận trọng, đánh giá đầy đủ các rủi ro để có chiến lược và cách thức đầu tư thực hiện ESG một cách có hiệu quả.

Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu để chuyển đổi năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường là rất lớn, trong khi vẫn có những rủi ro về thị trường, mất thị phần do các đối thủ cạnh tranh không đẹp. Họ tẩy xanh nên hàng họ rẻ hơn. Vì không chỉ những công ty vừa và nhỏ mà vẫn có cả những doanh nghiệp lớn tẩy xanh, nên doanh nghiệp cần xác định ai là trọng tài cho cuộc chơi công bằng này.

Trong khi đó, chi phí cho hoạt động thuê tư vấn và chứng nhận ESG là không hề nhỏ. Quy mô doanh nghiệp càng lớn, công việc càng nhiều, càng phức tạp chi phí càng cao. Theo khảo sát bằng công cụ AI, chi phí cho thuê tư vấn cơ bản và đánh giá sơ bộ là từ 5.000 - 20.000 USD. Đánh giá toàn diện theo thông lệ quốc tế là từ 20.000 - 50.000 USD. Nếu thuê các công ty tư vấn, kiểm toán lớn, chi phí này có thể lên đến 200.000 USD. Chưa kể tần suất đánh giá là 6 tháng, 1 năm hay 2 năm/lần hay theo yêu cầu của khách hàng.

Bài cuối: Linh hoạt thích ứng

Lâm Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuc-hanh-tieu-chuan-esg-bai-1-chuyen-minh-theo-xu-the-toan-cau-20240818102022693.htm