Thực hành tiêu chuẩn ESG - Bài cuối: Linh hoạt thích ứng

Trong xu thế toàn cầu đang thực hành kinh doanh có trách nhiệm, phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam đã nhanh chóng nhập cuộc và có những động thái tích cực để thích ứng tốt trong bối cảnh mới.

Cánh đồng điện gió ven biển Bạc Liêu đem lại nguồn năng lượng phong phú. Ảnh minh họa: Tuấn Kiệt/TTXVN

Cánh đồng điện gió ven biển Bạc Liêu đem lại nguồn năng lượng phong phú. Ảnh minh họa: Tuấn Kiệt/TTXVN

Việc thực hành ESG đã được các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm và đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, để giải bài toán ESG, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải thật sự linh hoạt mới có thể thích ứng, tồn tại và phát triển bền vững.

Nhận thức đến hành động còn khoảng cách

Nhằm thích ứng và bắt kịp xu thế thế giới, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, loại bỏ dần nhiệt điện than vào năm 2040 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam cũng đã đệ trình Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật lần thứ hai vào năm 2022. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản thông thường (BAU) và sẽ giảm phát thải thêm 27,7% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.

Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều quy định, chính sách để các doanh nghiệp và các bên liên quan có thể thực hiện ESG một cách hiệu quả như: Nghị quyết 136/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương đến năm 2030; Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc báo cáo thông tin phát triển bền vững đối với các công ty đại chúng và niêm yết; các quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025, phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26,…

Đối với từng trụ cột của ESG, trên lĩnh vực môi trường, Việt Nam đã ban hành: Luật Bảo vệ môi trường; các nghị định, thông tư, quy định hướng dẫn việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, kiểm kê, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Quy hoạch phát triển điện lực, Đề án phát triển nền kinh tế tuần hoàn, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh,...

Trên lĩnh vực xã hội, Việt Nam đã ban hành Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân;… Trên lĩnh vực quản trị có: Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Chứng khoán; Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Phòng chống tham nhũng; các hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp đặc thù,…

Theo bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, thuộc Công ty KPMG – một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới cho rằng, các cam kết và bước đi của Việt Nam là rất tiến bộ, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, cho thấy Việt Nam đã và đang dần hoàn thiện pháp luật trên cả ba trụ cột E, S và G. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức được và đánh giá cao tầm quan trọng của việc thực hành ESG, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, với 80% doanh nghiệp được hỏi đã có cam kết hoặc đang có kế hoạch sớm thực hiện ESG.

Báo cáo Triển vọng kinh doanh 2023 của Ngân hàng UOB Singapore khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực ASEAN và Trung Quốc cũng cho thấy, 94% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhận thức được mức độ quan trọng của phát triển bền vững.

Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động vẫn còn là một câu chuyện dài. Theo bà Hà, các doanh nghiệp có thể cam kết rất mạnh mẽ nhưng họ rất chậm trong việc thực hành ESG. Chỉ có khoảng 28% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã có bộ khung theo dõi và kiểm soát rủi ro ESG.

Khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự hỗ trợ kỹ thuật của USAID năm 2022 cũng cho thấy, việc tiên phong áp dụng ESG diễn ra hầu hết ở các doanh nghiệp lớn, như: doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu. Trong khi đó, chỉ có 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động triển khai ESG và 21% không cân nhắc triển khai ESG trong 2-4 năm tới.

Lý giải nguyên nhân, bà Hà cho rằng, các doanh nghiệp còn chần chừ là do chưa có sức ép từ yêu cầu bắt buộc và chế tài phạt của luật. Doanh nghiệp chưa nắm được đầy đủ dữ liệu của mình thì rất khó để nắm được dữ liệu của các đối tác của mình. Ngoài ra, hai năm gần đây, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để tồn tại nên chưa thể quan tâm đúng mức đến ESG. Một khách hàng của KPMG là tên tuổi lớn và đi đầu trong xuất khẩu, khi được hỏi là đã có chuẩn bị gì cho Quy định CBAM của EU vào đầu năm 2026, vì ngành hàng của doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng nếu không kê khai. Giám đốc điều hành doanh nghiệp này cho biết, hiện tại họ đang tập trung trả lãi cho ngân hàng nên chưa thể nghĩ đến vấn đề khác.

Linh hoạt thích ứng

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, để có thể thực hành ESG một cách có hiệu quả, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động, linh hoạt mới có thể tìm ra cho mình con đường và lộ trình phù hợp.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thực hành ESG không phải là chỉ làm từ thiện hoặc tìm cách xanh hóa theo cách riêng của mình, mà doanh nghiệp cần căn cứ vào những mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, những tiêu chuẩn của quốc tế, những yêu cầu của thị trường mục tiêu và quy định của pháp luật Việt Nam để thực hiện một cách phù hợp.

Hiện các luật của Việt Nam đang được thiết kế đi chậm hơn một chút và sẽ ngang bằng với EU, nhằm đảm bảo các thị trường không ngăn cản hoặc dừng thương mại, đầu tư với Việt Nam. Vì nếu đặt ra tiêu chuẩn cao hơn, giá thành tăng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị mất năng lực cạnh tranh. Ngược lại, nếu thấp hơn, doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi quá chậm sẽ phải đối mặt với rủi ro bị loại bỏ khỏi thị trường. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là vừa và nhỏ nên “kết bè” đi cùng nhau sẽ giảm được chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu ý, hiện các nước phát triển đang có nguồn tài chính khí hậu, tài chính xanh dành cho các dự án góp phần bảo vệ môi trường. Để tiếp cận được các nguồn tín dụng này, quá trình xây dựng, thực hiện, triển khai và kết thúc dự án, doanh nghiệp phải có số liệu minh bạch, tin cậy và không thể thay đổi được để thuyết phục các nhà đầu tư.

Chia sẻ từ góc độ đơn vị kiểm toán, bà Đỗ Thị Thu Hà cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp nên có chiến lược đi chậm và chắc, đi từ việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam để xây dựng nền móng cho việc thực hiện ESG. Doanh nghiệp cần phải xác định được mình đang ở đâu. Những yêu cầu nào có sức ép lớn thì có thể làm ngay. Những lĩnh vực chưa chịu sức ép thì có thể làm dần dần, từ từ. Sau đó nâng lên thành chiến lược về ESG, biến ESG thành cấu trúc di truyền (DNA) của doanh nghiệp.

Từ góc độ đơn vị kiểm định, đánh giá, ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty TUV NORD Việt Nam, thuộc Tập đoàn TUV NORD cho biết, mặc dù ESG có rất nhiều nội dung nhưng không nhất thiết các doanh nghiệp phải đáp ứng được 100% các nội dung ESG sẽ được báo cáo, mà nó sẽ tùy thuộc vào chủ đề trọng yếu của doanh nghiệp do các bên liên quan cùng đưa ra. Các nhãn hàng hay các luật đều có lộ trình cho việc thực hiện các yêu cầu chứ không bắt buộc doanh nghiệp ngay lập tức phải đạt được báo cáo ESG đầy đủ.

Chia sẻ từ góc độ đơn vị chuyên tư vấn, thiết lập nhà máy, ông Huỳnh Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty LeanWares cho rằng, doanh nghiệp có thể trích một phần nguồn lực hiện hữu từ các thị trường có yêu cầu thấp hơn, để thiết lập mô hình mới với quy mô nhỏ nhưng xanh hơn để thí điểm và tiếp cận thị trường. Từ đó dịch chuyển dần và nâng dần quy mô thị trường xanh lên.

Chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ doanh nghiệp Việt Nam đã có những thành công nhất định trên con đường thực hiện ESG, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Công ty Secoin cho biết, là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc ngành vật liệu xây dựng, một trong những ngành phát thải carbon cao và tiêu tốn nhiều tài nguyên, Secoin xác định ESG là một hành trình chứ không phải là đích đến. Trong đó, chuyển đổi xanh là điểm then chốt. ESG phải được thấm vào ban lãnh đạo và được lồng ghép vào chiến lược của doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có thể tham gia vào cuộc chơi toàn cầu.

Secoin đã lựa chọn 6/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc làm cơ sở nền tảng và thực hành ESG theo khung đánh giá ICS của Pháp và khung Quản lý chuỗi cung ứng xanh (GSCM). Ngoài ra, doanh nghiệp còn chủ động lựa chọn một công ty hàng đầu của EU cùng ngành làm chuẩn để phấn đấu; chủ động tham gia các chương trình đánh giá doanh nghiệp bền vững của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) để có thể tự nhìn nhận, đánh giá, sửa đổi những điểm chưa phù hợp.

Kết quả, năm 2023, công ty được vinh danh trong tốp 100 doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam và đạt danh hiệu Doanh nghiệp xanh TP Hồ Chí Minh và Thương hiệu quốc gia giai đoạn 2016-2024. Công ty hiện đã xuất khẩu đến 60 nước ở 6 châu lục.

Lâm Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuc-hanh-tieu-chuan-esgbai-cuoi-linh-hoat-thich-ung-20240818102649172.htm