Thực hiện 6 tập trung để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển

Sáng 4/10, tại buổi gặp mặt đại diện doanh nhân, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lớn mạnh và đóng góp vào phát triển đất nước.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành và 200 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, chúng ta có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; đóng góp tích cực vào hoạt động an sinh xã hội.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu, nhất là các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện trong kinh doanh và vai trò xã hội của doanh nghiệp; kiến nghị, đề xuất, tham mưu, hiến kế cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp phát triển; xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Sau khi các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu, chia sẻ, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, phát biểu kết luận cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh, trưởng thành và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Biểu dương, đánh giá cao sự lớn mạnh của doanh nghiệp, doanh nhân và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp, doanh nhân phải đối mặt, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lớn mạnh và đóng góp vào phát triển đất nước:

Một là kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, thứ lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Thứ hai, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị của đất đai... góp phần cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển".

Vấn đề thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung, cho doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng.

Thứ tư là hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp, doanh nhân hiện đại, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển đất nước.

Thứ năm là trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.

Thứ sáu, xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển nhanh, bền vững trong thời đại hòa bình.

Phát huy phương châm “nói ít, làm nhiều”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả thiết thực”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong gồm: tiên phong trong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0; tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tiên phong trong xây dựng, quản trị doanh nghiệp hiện đại và tiên phong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội.

Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp” và “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển; cùng hưởng niềm vui, hạnh phúc và tự hào".

Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh, thể hiện tình yêu đất nước bằng những hành động cụ thể, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng cả nước thực hiện mục tiêu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thu Hòa

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thuc-hien-6-tap-trung-de-doanh-nghiep-doanh-nhan-phat-trien-270364.htm