Thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2019-2020
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng cục Đường Bộ Việt Nam (ĐBVN), UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh về bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2019-2020.
Ảnh minh họa.
Để tổ chức tốt công tác vận tải phục vụ nhân dân đi lại trong dịp nghỉ Lễ 2/9/2019 được thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội, Sở GTVT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; các ban Quản lý dự án (QLDA) đang quản lý các dự án thi công trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa; các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô; các đơn vị quản lý và khai thác bến xe ô tô khách; các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở triển khai thực hiện tốt các nội dung công tác sau:
Các đơn vị vận tải hành khách:
- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền giáo dục, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành quy định pháp luật về TTATGT và các quy định quản lý hoạt động vận tải của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
- Thực hiện đúng Lệnh vận chuyển đảm bảo an ninh, trật tự trên xe; đón, trả khách tại bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, các điểm đón, trả khách và chạy đúng hành trình.
- Thường xuyên giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình của đơn vị chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm của lái xe về thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận, đón trả khách không đúng nơi quy định, tốc độ và thời gian lái xe trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải gây tiềm ẩn mất ATGT;
- Không chở quá số người được phép đã ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô; hành lý, hàng hóa phải được xếp dàn đều trong khoang chở hành lý, đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.
- Không tùy tiện nâng giá cước vận chuyển khách dưới bất cứ hình thức nào.
- Trước khi xe xuất bến phải yêu cầu bến xe khách xác nhận thông tin quy định trong Lệnh vận chuyển.
- Huy động tối đa phương tiện phương tiện vận tải khách, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trên các tuyến đã được Sở GTVT chấp thuận.
- Chủ động chuẩn bị xe tốt, đảm bảo an toàn, sạch đẹp nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng của hành khách và đặc biệt là hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật; cương quyết không vận chuyển hàng cấm, hàng hóa là nguồn phát sinh, lây lan dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không chứng nhận kiểm dịch y tế; kết hợp với bến xe bố trí tăng cường chuyến xe, tổ chức vận tải hợp lý để giải tỏa khách tồn đọng tại các bến xe.
- Nghiêm cấm doanh nghiệp bỏ lốt, bỏ chuyến để đưa xe đi hợp đồng hoặc đón khách bên ngoài bến, thu giá vé cao hơn quy định; nếu vi phạm yêu cầu bến xe, Thanh tra giao thông lập biên bản xử lý, Sở GTVT sẽ thu hồi phù hiệu, ngừng chấp thuận tuyến theo quy định.
- Nghiêm cấm đưa phương tiện vận tải khách không đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật để chở khách, chở quá số người theo thiết kế, chở các chất dễ gây cháy nổ, hàng độc hại, hàng quốc cấm, hàng tươi sống có mùi hôi tanh, động vật nuôi trên xe.
- Các doanh nghiệp vận tải khách bằng xe buýt chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch bố trí phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ vận chuyển khách trong những ngày, giờ cao điểm trên các tuyến, đảm bảo an toàn giao thông trong khi hoạt động trên tuyến; tăng tần xuất, thời gian phục vụ trong các ngày cao điểm; xây dựng phương án bố trí xe dự phòng chạy tăng tuyến khi có nhu cầu.
Các đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách:
-Phối hợp với Thanh tra giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện trước khi xuất bến.
-Chỉ đạo các bến xe thuộc phạm vi quản lý tổ chức phân công lao động, bố trí thêm các địa điểm bán vé phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân không để khách chờ đợi quá lâu tại bến.
-Các bến xe cần tổ chức các dịch vụ phục vụ khách, tổ chức đưa đón xe ra vào bến an toàn, thuận tiện văn minh lịch sự, bố trí đầy đủ điện chiếu sáng và thông tin thường xuyên đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn.
Các đơn vị quản lý đường bộ, đường thủy nội địa:
-Tăng cường thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, nhất là đối với các cầu yếu; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý sớm các hư hỏng của cầu, đường và công trình trên tuyến; có biện pháp xử lý bảo đảm ATGT tại các vị trí tiềm ẩn gây tai nạn giao thông;
Lập phương án bảo đảm giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý; kiểm tra, rà soát sửa chữa các hư hỏng nền, mặt đường, cầu yếu; sửa chữa, bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu, đặc biệt là biển cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn mất ATGT, vá ổ gà, nạo vét, khơi thông cống rãnh, phát quang bảo đảm tầm nhìn...;
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; không để tồn tại tình trạng tập kết nông, lâm sản hoặc họp chợ trên mặt đường, lề đường; phối hợp với Thanh tra Sở, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, các trường hợp gây mất ATGT; tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn tại các bến thủy nội địa, an toàn hoạt động của phương tiện thủy nội địa; công tác quản lý hoạt động chở khách ngang sông, cương quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách ngang sông không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Đối với các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng còn trong thời gian bảo hành, nếu phát hiện hư hỏng kịp thời báo cáo Sở Giao thông Vận tải để chỉ đạo QLDA yêu cầu Nhà thầu thi công khẩn trương sửa chữa, khắc phục các hư hỏng thuộc phạm vi trách nhiệm của Nhà thầu, để bảo đảm giao thông và ATGT.
Thanh tra Sở:
- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bố trí thêm lực lượng phối hợp với CSGT kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT là nguyên nhân gây tai nạn giao thông; có biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết các trường hợp phương tiện chở khách quá số người quy định ngay từ các thời điểm đón, trả khách và trong suốt quá trình vận chuyển; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT như: sử dụng phương tiện quá niên hạn kiểm định, đón, trả khách không đúng nơi quy định...
- Tăng cường điều kiện an toàn của xe xuất bến; kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn cho hành khách tại các bến khách ngang sông.
- Phối hợp chặt chữ với lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, quản lý thị trường, quản lý giá... để giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động vận tải;
- Chỉ đạo các tổ Thanh tra giao thông đường bộ phối hợp với các bến xe, các lực lượng chức năng lập biên bản đối với xe bỏ lốt, đón trả khách bên ngoài bên, nâng giá vé cao hơn so quy định, chạy xe không đúng tuyến, chở quá số người... xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Sở GTVT;
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang ATGT, lấn chiếm lòng, lề đường; vi phạm các quy định tại các bến xe khách;
- Phối hợp với CSGT xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông và bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, các khu vực giao thông phức tạp có nguy cơ ùn tắc cao; xây dựng phương án, biện pháp tổ chức, điều tiết giao thông để giải quyết kịp thời khi xảy ra ùn tắc, ngăn chặn không để xảy ra ùn tắc kéo dài.
Phòng Quản lý vận tải:
Tăng cường công tác theo dõi, giám sát thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và tham mưu Lãnh đạo Sở xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tốc độ, thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận, không truyền dữ liệu lên hệ thống của Tổng cục đường bộ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15-4-2015 của Bộ GTVT.
Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở và các đơn vị liên quan chỉ đạo siết chặt quản lý chất lượng và ATGT đối với các phương tiện vận tải hành khách; tổ chức trực hiều hành hoạt động vận tải hành khách, điều động xe tăng cường tham gia giải tỏa khách, trong trường hợp lượng khách quá lớn tại bến xe; báo cáo Lãnh đạo Sở những trường hợp vượt quá thẩm quyền.
Tham mưu cho Lãnh đạo Sở phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Đồng thời khuyến cáo các nguy cơ dễ xảy ra tai nạn giao thông và các biện pháp phòng tránh, nhất là phòng tránh tai nạn đắm đò, tai nạn đối với xe mô tô, xe khách.
Phòng Quản lý giao thông:
- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện tốt công tác: Quản lý, bảo trì vào bảo đảm giao thông trên tuyến, báo cáo kịp thời kết quả tuần tra, kiểm tra và xử lý các sự cố trên tuyến; phối hợp với các đơn vị liên quan để chỉ đạo kịp thời xử lý các trường hợp gây mất ATGT, ùn tắc giao thông trên tuyến trong dịp nghỉ Lễ 2/9/2019 ; báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Sở để kịp thời xử lý các sự cố gây mất ATGT và những sự cố ngoài khả năng giải quyết của Phòng.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai, thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 09/QCPH-BGTVT-UBND ngày 25-3-2013 giữa Bộ GTVT với UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; bảo đảm TTATGT tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi dân sinh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các tuyến đường cửa ngõ vào thành phố, trung tâm các huyện để bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, sơn vạch kẻ đường, gờ giảm tốc tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Tăng cường thực hiện công tác quản lý bảo trì trên các tuyến đường tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý và các tuyến đường trên địa bàn; kiểm tra phát hiện và có biện pháp xử lý sớm các hư hỏng của cầu, đường; xóa ổ gà, nạo vét, khơi thông cống rãnh, phát quang bảo đảm tầm nhìn; giải quyết kịp thời các trường hợp gây ách tắc giao thông nhằm bảo đảm giao thông và ATGT trên tuyến; tuyên truyền, hướng dẫn việc chấp hành các quy định của pháp luật và kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn đối với hoạt động của các đò ngang trên địa bàn.
Tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ; phối hợp với Thanh tra Sở GTVT xử lý kịp thời các vi phạm gây mất ATGT.