Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản

Những năm gần đây, ngành thủy sản của tỉnh thường xuyên phải chịu sự tác động xấu của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, các địa phương và sự nỗ lực vượt khó của người dân trong việc thực hiện các giải pháp như: cải tạo ao đầm nuôi thủy sản; quản lý tốt chất lượng con giống, các cơ sở kinh doanh trang thiết bị vật tư, thức ăn nuôi thủy sản... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những năm gần đây, ngành thủy sản của tỉnh thường xuyên phải chịu sự tác động xấu của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, các địa phương và sự nỗ lực vượt khó của người dân trong việc thực hiện các giải pháp như: cải tạo ao đầm nuôi thủy sản; quản lý tốt chất lượng con giống, các cơ sở kinh doanh trang thiết bị vật tư, thức ăn nuôi thủy sản; chú trọng nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương... nên việc nuôi thủy sản thu được nhiều hiệu quả.

Hộ ông Chu Văn Bảo, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) tận dụng lợi thế gần sông Hồng để phát triển nuôi cá lồng.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), hiện nay diện tích nuôi thủy sản của toàn tỉnh khoảng 16.075ha. Trong đó, người dân đã đưa vào thả nuôi trên 98% diện tích nuôi nước ngọt, khoảng 2.300ha tôm sú, 400ha tôm thẻ chân trắng. Các đối tượng nuôi an toàn, không có dịch bệnh xảy ra. Ước tính sản lượng thu hoạch đến hết tháng 6-2020 đạt 52.090 tấn (bằng 46,7% kế hoạch, bằng 105,7% cùng kỳ 2019). Trong đó sản lượng nuôi nước ngọt ước đạt 25.670 tấn, nuôi mặn lợ ước đạt 26.420 tấn. Thực tế trong những năm qua, nhiều địa phương đã xác định phát triển thủy sản là một trong những hướng mũi nhọn phát triển kinh tế. Các cấp chính quyền đã khuyến khích người dân cải tạo ao nuôi, xây dựng hạ tầng, đầu tư trang, thiết bị, máy móc để tạo môi trường nuôi ổn định, góp phần giúp thủy sản sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều người dân đã tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương như có vị trí địa lý gần các sông lớn như sông Đào, sông Hồng để nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao. Xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) hiện có hơn 40 lồng nuôi cá trên sông Hồng với 2 hộ nuôi tiêu biểu là ông Phan Văn Sơn và ông Chu Văn Bảo. Hộ ông Phan Văn Sơn có hơn 20 lồng chuyên nuôi cá Koi, là cá chép cảnh có nguồn gốc từ Nhật Bản. Mỗi năm trung bình ông Sơn thu lãi được khoảng gần 1 tỷ đồng. Nhiều hộ khác ở các xã Yên Quang, Yên Hồng (Ý Yên), Tam Thanh (Vụ Bản) đã tận dụng diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chỉ cấy được một mùa sang phát triển mô hình cá lúa cho thu nhập cao gấp 10 lần cấy lúa. Nhiều hộ dân ở các huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu đã tận dụng diện tích làm muối kém hiệu quả sang nuôi cá diêu hồng, tôm thẻ chân trắng... đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nếu trước kia, bình quân mỗi lao động làm muối thu được 2 triệu đồng/tháng, trừ chi phí chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/sào thì từ khi chuyển sang nuôi thủy sản, có những hộ cho thu nhập lên tới khoảng 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, người dân cũng đã tập trung nuôi những loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển, cá trắm đen, cá lăng chấm... Xác định con giống là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến tất cả các khâu còn lại của chuỗi sản xuất thủy sản như chất lượng, năng suất, sản lượng nuôi, Sở NN và PTNT đã khuyến khích các cơ sở sản xuất giống đầu tư trang thiết bị, áp dụng quy tắc quản lý trại tốt, xây dựng thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng giống, làm tốt việc kiểm dịch các đối tượng thủy sản bố mẹ, thủy sản giống. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã sản xuất được 9.170 triệu con giống, đạt 71% kế hoạch năm. Trong đó, số lượng con giống nước ngọt đạt 850 triệu con, con giống nước mặn lợ đạt 8.320 triệu con. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện thực hiện quản lý chặt chẽ hệ thống cung ứng giống từ các nơi khác về tỉnh, xử lý vi phạm trong vận chuyển lưu thông nhằm ngăn chặn, loại bỏ những lô giống kém chất lượng, nhiễm bệnh. Các con giống được chọn nuôi đảm bảo khỏe mạnh cũng đã góp phần nâng cao sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh. Do hệ thống kinh doanh, cung ứng vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản như: thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, các chất xử lý cải tạo môi trường... trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, cung cấp đầy đủ cho người nuôi. Thời gian qua, các đơn vị trong ngành như: Thanh tra Sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản đã phối hợp chặt chẽ với Phòng NN và PTNT các huyện và thành phố, thực hiện kiểm tra kết hợp tuyên truyền các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 về điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản. Chi cục Thủy sản đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn tiếp nhận và hoàn thành thủ tục cấp Giấy xác nhận nuôi lồng bè, nuôi chủ lực cho gần 200 cơ sở nuôi trồng thủy sản; thực hiện thẩm tra, đánh giá xếp loại, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho 21 cơ sở trong tỉnh. Đồng thời, các địa phương cũng phối hợp với doanh nghiệp, HTX và các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường trong và sau khi dịch bệnh COVID-19 kết thúc. Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm đến kỳ thu hoạch, người dân được các ngành, địa phương hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Những cơ sở đang nuôi thủy sản với mật độ dày được các ngành chức năng hướng dẫn san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất. Các ngành chức năng cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi thủy sản tập trung để kịp thời khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.

Đồng chí Mai Đăng Nhân - Chi cục phó Chi cục Thủy sản cho biết: Để đạt được mục tiêu tổng sản lượng nuôi thủy sản năm 2020 đạt khoảng 112 nghìn tấn, thời gian tới, ngành thủy sản sẽ tiếp tục cùng với các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao công tác quản lý môi trường, thường xuyên lấy mẫu nước kiểm tra tại các khu nuôi tập trung và nuôi cá lồng; thu mẫu, phân tích mẫu cá bệnh để làm cơ sở cảnh báo, dự báo tình hình dịch bệnh. Đồng thời, Chi cục cũng sẽ phân công cán bộ nắm bắt tình hình sản xuất tại địa phương để tư vấn, hướng dẫn người nuôi công tác chăm sóc, phòng trị dịch bệnh theo từng mùa, từng thời điểm. Các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào và sử dụng kháng sinh, chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất trong nuôi thủy sản để khai thác các tiềm năng, thế mạnh diện tích mặt nước. Qua đó nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản, góp phần đưa thủy sản tiếp tục là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202010/thuc-hien-cac-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-nuoi-thuy-san-2540134/