Thực hiện các khuyến nghị của chuyên gia mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu
BHG - Năm 2018, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) xuất sắc vượt qua kỳ tái thẩm định, tiếp tục được trao danh hiệu của UNESCO nhiệm kỳ năm 2018 - 2022. Trong suốt nhiệm kỳ qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để thực hiện các khuyến nghị của chuyên gia mạng lưới; qua đó, bảo tồn và phát triển bền vững CVĐC.
Trên cơ sở 10 khuyến nghị tại kỳ thẩm định lần II, gồm: Vấn đề nước sạch cung cấp cho khách du lịch trên CVĐC; sửa chữa nâng cấp biển thông tin; in ấn, phát hành ấn phẩm CVĐC; xây dựng đề án khai thác sử dụng hệ thống hang động; làng văn hóa du lịch truyền thống... tỉnh đã tập trung nguồn lực và lồng ghép vào các nhiệm vụ chung trong phát triển KT - XH của địa phương. Chỉ đạo các sở, ngành, 4 huyện trong vùng CVĐC xây dựng kế hoạch, thực hiện đồng bộ. Đến nay, các khuyến nghị đã được thực hiện đạt từ 40 – 95%.
Trong đó, đối với vấn đề nước sạch cung cấp cho khách du lịch, các cấp, ngành đã đầu tư các công trình cấp nước tập trung, nghiên cứu khoa học về bảo tồn di sản địa chất, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ ống, lũ quét và tổ chức bàn giao các trạm đo mưa tự động tại các xã Cán Tỷ, Đông Hà và Lùng Tám (Quản Bạ). Đặc biệt, Dự án KawaTech cấp nước trên vùng CVĐC giai đoạn 1 được nghiệm thu, đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu nước sạch cho nhiều hộ dân và du khách.
Các địa phương sửa chữa, nâng cấp trên 130 bảng, biển thông tin lớn, nhỏ; thiết kế biển thông tin tiết kiệm nước treo tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nơi công cộng để tuyên truyền tới người dân và khách du lịch. In ấn tài liệu, tờ rơi; sách hướng dẫn, giới thiệu quảng bá về CVĐC tới du khách và phục vụ công tác giáo dục cộng đồng; đưa nội dung giáo dục về CVĐC vào giảng dạy trong các trường học; đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh quảng bá bằng tiếng Việt, tiếng Anh trên Website của Ban quản lý CVĐC và trang facebook, kênh youtube của đơn vị.
Bên cạnh đó, các địa phương đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, mở rộng đường, hộ lan vào thôn Lùng Khúy (Quản Bạ); cải thiện hệ thống điện, hệ thống cấp nước; sửa chữa cửa động, cổng sắt, bậc lên xuống, cầu thang sắt đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường, cảnh quan thiên nhiên; kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hang Mây, xã Tả Lủng và khu du lịch sinh thái - hang Nà Luông, xã Sủng Trái (Đồng Văn) và xã Mậu Duệ (Yên Minh). Thực hiện xong kiểm kê lập danh mục các hang động trên địa bàn để làm cơ sở dữ liệu quản lý và kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát huy hiệu quả hang động.
Trên vùng CVĐC hiện có 6 làng văn hóa du lịch cộng đồng và Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village, Bảo tàng không gian văn hóa các dân tộc Đồng Văn; Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi được xây dựng để bảo tồn và phát huy các kiến trúc truyền thống tiêu biểu của dân tộc Dao, Mông, Lô Lô, Tày. Các làng văn hóa này đang là điểm đến hấp dẫn của du khách, trong đó Homestay thôn Nặm Đăm và khu nghỉ dưỡng H’Mong Village được công nhận tiêu chuẩn ASEAN. Tỉnh hiện có 4 trung tâm thông tin CVĐC đặt tại 4 huyện với chức năng quảng bá hình ảnh CVĐC, tham mưu bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, di sản địa chất vùng CVĐC. Các trạm thông tin được bố trí khu vực trưng bày giới thiệu 1 bảo tàng mini thể hiện đặc trưng của dân tộc vùng và bố trí các gian hàng giới thiệu sản phẩm của địa phương cũng chính là các đối tác của CVĐC.
Ban quản lý CVĐC luôn chủ động, tích cực tham gia cùng các đoàn khảo sát và tham gia ý kiến bằng văn bản vào các công trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch triển khai trên địa bàn CVĐC; thường xuyên kiểm tra việc khai thác 45 điểm di sản; đôn đốc tu sửa hệ thống biển, bảng, đảm bảo vệ sinh tại các điểm di sản. Đồng thời tăng cường hợp tác với các CĐVC trong nước; tích cực tham gia các hoạt động của mạng lưới CVĐC toàn cầu; mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia nằm trong mạng lưới CVĐC toàn cầu như: Nhật Bản, Malaysia, Pháp, Đức, Canada, Australia... nhằm xây dựng, bảo tồn và phát triển bền vững CVĐC. Hiện nay có 7 tổ chức phi chính phủ đang hoạt động và triển khai các dự án trên khu vực CVĐC.
Để phục vụ tái đánh giá CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập đoàn kiểm tra thực địa 4 huyện vùng CVĐC; ban hành các thủ tục trình Sở Tài chính thẩm định, trình tỉnh ban hành kế hoạch mời thầu thực hiện các nhiệm vụ như: Thiết kế trưng bày Bảo tàng không gian văn hóa các dân tộc huyện Đồng Văn; cải tạo Trung tâm thông tin các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc; thuê chuyên gia tư vấn hồ sơ tái đánh giá; xây dựng báo cáo sơ bộ công tác tái đánh giá; phối hợp với các sở, ngành, 4 huyện Cao nguyên đá triển khai tới các HTX, tổ chức, cá nhân thực hiện gắn logo CVĐC toàn cầu lên các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. 4 huyện vùng CVĐC đang khẩn trương thi công, hoàn thiện các bãi đỗ xe, vườn hoa, chòi vọng cảnh; tuyên truyền người dân, du khách hạn chế dùng đồ nhựa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...
Sau 3 nhiệm kỳ nắm giữ danh hiệu của UNESCO với những giá trị bền vững về cảnh quan, địa chất, địa mạo và lịch sử, truyền thống văn hóa, CVĐC đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của Hà Giang, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.