THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ MỞ NGÀNH, CHỈ TIÊU TUYỂN SINH ĐỐI VỚI ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, THẠC SỸ, TIẾN SỸ
Triển khai thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các luật có liên quan đã được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ra các Thông tư hướng dẫn với các nội dung về điều kiện mở ngành, chỉ tiêu tuyển sinh đối với đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ.
Linh hoạt hơn về điều kiện mở ngành, tăng tính tự chủ cho các trường
Triển khai thực hiện Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, chính thức có hiệu lực từ ngày 04/3, thay thế Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT về mở ngành đào tạo đại học và Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT về mở ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo Thông tư này, các quy định về điều kiện mở ngành đào tạo từ nay được áp dụng chung, theo đó cơ sở đào tạo phải đáp ứng các điều kiện chung về ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở; đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.
Thông tư có một số yêu cầu cụ thể hơn về điều kiện mở ngành như: cơ sở đào tạo phải có sẵn đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học với ngành dự kiến mở; phải đáp ứng yêu cầu điều kiện tối thiểu để chuyển sang dạy học trực tuyến...
Ngoài ra, cơ sở đào tạo cần đảm bảo về học hàm học vị, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm giảng dạy đối với giảng viên; cơ sở dữ liệu quốc tế về sách, tạp chí khoa học liên quan đến ngành đào tạo; phương án, giải pháp đề phòng, ngăn ngừa, xử lý rủi ro trong mở ngành đào tạo... Các trường tuân thủ điều kiện này khi mở ngành sẽ đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT có một số quy định mở và linh hoạt hơn về điều kiện mở ngành, tăng tính tự chủ cho các trường; đồng thời vẫn đảm bảo các điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Về đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất để mở ngành, Thông tư không bắt buộc nhà trường phải đảm bảo đủ điều kiện ngay năm đầu tiên mở ngành, mà cho phép các trường chuẩn bị đội ngũ và điều kiện cơ sở vật chất phải bảo đảm đủ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo và có phương án, kế hoạch tuyển dụng, đầu tư đảm bảo cho các năm tiếp theo.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với những điểm mới đó, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện đồng bộ, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác giám sát quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội nói chung.
Không tăng chỉ tiêu tuyển sinh nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm dưới 80%
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Điều 4 của Thông tư này quy định rõ các điều kiện ràng buộc không tăng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển sinh theo từng trình độ và theo từng lĩnh vực hoặc theo từng ngành không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh nếu cơ sở đào tạo đủ điều kiện về thời gian để thực hiện kiểm định cơ sở đào tạo nhưng chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành của pháp luật.
Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT cũng quy định chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề với năm xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh của lĩnh vực đó nếu tỷ lệ số sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của lĩnh vực đó đạt dưới 80%; hoặc tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của lĩnh vực đó ở năm tuyển sinh liền kề trước năm tuyển sinh đạt dưới 80%.
Mở rộng điều kiện bổ nhiệm giảng viên đại học, cao đẳng
Ngày 04/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 1/10/2020 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập; Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26/10/2020 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/4/2022.
Theo Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cao đẳng sư phạm, giảng viên các trường đại học đối với tất cả các hạng (I, II, III) không còn yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên riêng cho từng hạng như trước đây. Thay vào đó, Thông tư cho phép cả 03 hạng sẽ cùng chung điều kiện có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm hoặc theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.
Thông tư cũng quy định, viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập hoặc trong các cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật trước ngày 30/6/2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm. Đồng thời, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm hoặc chức danh giảng viên đại học.
Với quy định trên thì giảng viên cao đẳng sư phạm và giảng viên đại học đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định trước đây (trước ngày 30/6/2022) sẽ không phải học lại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=62637