Thực hiện chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chung tay vì môi trường sống trong lành

Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang về huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường (Chỉ thị 17), nhận thức, ý thức của cán bộ, hội viên, người dân từng bước nâng lên, môi trường sống trên địa bàn tỉnh cải thiện rõ rệt.

Đổi thay tích cực

Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản được giải quyết; môi trường, cảnh quan từ đô thị tới nông thôn, miền núi phong quang, sạch đẹp hơn; ý thức người dân chuyển biến rõ rệt, nhiều điểm “nóng” rác thải được xử lý dứt điểm.

 Khu vực đối diện cổng Trung tâm Y tế các khu công nghiệp tỉnh, thuộc địa bàn phường Nếnh (thị xã Việt Yên) từng là điểm "nóng" tồn lưu rác nay đã phong quang, sạch đẹp.

Khu vực đối diện cổng Trung tâm Y tế các khu công nghiệp tỉnh, thuộc địa bàn phường Nếnh (thị xã Việt Yên) từng là điểm "nóng" tồn lưu rác nay đã phong quang, sạch đẹp.

Điển hình như tại phường Nếnh (thị xã Việt Yên). Là địa bàn ven khu, cụm công nghiệp, dân cư đông (với hơn chục nghìn lao động từ địa phương khác đến sinh sống, làm việc), nhiều loại hình dịch vụ nở rộ. Vì thế, mỗi ngày trên địa bàn có hơn chục tấn rác thải phát sinh. Trước năm 2020, tình trạng xả, đổ rác thải bừa bãi tại đây diễn ra phổ biến. Nhiều điểm tồn lưu rác lâu ngày gây ô nhiễm, cản trở giao thông, bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, khoảng 2-3 năm trở lại đây, môi trường phường Nếnh đã thay đổi rõ rệt. Một số điểm tồn lưu rác thải phát sinh đơn thư, phản ánh như khu vực đường 295B đối diện Trung tâm Y tế các khu công nghiệp tỉnh; khu tập kết rác tại tổ dân phố Hoàng Mai 3… đã được xử lý.

Đồng chí Đoàn Mạnh Chiến, Bí thư Đảng ủy phường Nếnh cho biết: “Đảng ủy, UBND phường xác định thực hiện Chỉ thị 17 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, tập thể kiểm tra, nắm bắt các điểm “nóng”; các trường hợp đổ trộm rác thải, nhất là rác công nghiệp để kịp thời tuyên truyền, xử lý. 6 tháng đầu năm nay, phường đã huy động được hơn 4,5 nghìn lượt cán bộ, hội viên, người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường; thu gom hơn 2,9 nghìn tấn rác. Đặc biệt, nhờ thành lập được Hợp tác xã vệ sinh môi trường nên địa bàn phường hầu như không còn điểm tồn lưu rác”.

 Một điểm tập kết rác trong sản xuất nông nghiệp ở cánh đồng thôn Biểng, xã An Lạc (Sơn Động).

Một điểm tập kết rác trong sản xuất nông nghiệp ở cánh đồng thôn Biểng, xã An Lạc (Sơn Động).

Chuyển biến trong thu gom, phân loại, xử lý rác thải cũng là câu chuyện chung ở các địa phương của tỉnh từ đô thị đến nông thôn, miền núi sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 17. Ở các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế… người dân đã có ý thức thu gom, phân loại rác xử lý hợp vệ sinh. Tại xã Dương Hưu (Sơn Động), nhiều hộ dân tự lắp đặt các ga chứa, điểm tập kết rác, tạo thuận lợi cho việc thu gom. Chị Phạm Thị Tấm và người dân thôn Cầu Nhạt, xã Phong Vân (Lục Ngạn) nhiều tháng nay đã tham gia nộp phí vệ sinh môi trường nói: “Trước đây, tôi thường mang rác ra vườn phơi khô rồi đốt. Giờ gia đình đã chủ động phân loại để xử lý hợp vệ sinh: Rác phân hủy được thì đổ vào gốc cây hoặc làm phân vi sinh; số còn lại gom vào điểm cố định để nhân viên vệ sinh thu đưa đi xử lý”.

Tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Được biết, thực hiện Chỉ thị 17, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt, yêu cầu UBND tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai sâu rộng về cơ sở, đến từng thôn, xóm, tuyên truyền vận động, huy động nhân dân đồng thuận, hưởng ứng thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt quyết định, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Chỉ thị 17 như: Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt; quyết định phê duyệt đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt giai đoạn 2021-2025... Định kỳ hằng tháng, quý, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm kết quả thực hiện với lãnh đạo UBND các sở, ngành, địa phương.

 Người dân xã Phong Vân (Lục Ngạn) thu gom, tập kết rác thải theo quy định.

Người dân xã Phong Vân (Lục Ngạn) thu gom, tập kết rác thải theo quy định.

Kết quả, qua hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị đã huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể, cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường của Ủy ban MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên được phát động, duy trì thực hiện thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Hàng nghìn mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường được thành lập đi vào hoạt động hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 17, toàn tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường thu gom, xử lý rác thải tại 100% xã, phường, thị trấn; 72 khu xử lý rác thải vùng huyện và xã, cụm xã; xây dựng, duy trì hoạt động 1 nhà máy, 76 lò đốt rác công nghệ. Tỷ lệ rác thải của tỉnh được thu gom, xử lý hợp vệ sinh đạt hơn 916,5 tấn/ngày (chiếm gần 95% số rác phát sinh).

Đồng chí Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh về thực hiện Chỉ thị 17 thông tin: Qua kiểm tra cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số địa phương chưa sâu sát công tác này; một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa có ý thức bảo vệ môi trường chung; tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác còn chậm... Căn cứ kết quả kiểm tra, Đoàn đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng chất lượng thu gom, xử lý rác thải ra môi trường; phê bình những tập thể, cá nhân làm chưa tốt.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 17, mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các nhiệm vụ BTV Tỉnh ủy đề ra tại Chỉ thị 17, Kết luận 99 đối với công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong năm 2024 và các năm tiếp theo; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng đối với các địa phương. Đẩy mạnh phát động và triển khai các phong trào vệ sinh môi trường tại cộng đồng dân cư.

Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải. Mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng và tỷ lệ thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác, bảo đảm phương châm cộng đồng dân cư đóng góp và tổ chức thực hiện là chủ yếu. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra tồn tại về môi trường, chậm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thùy Ninh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-chi-thi-17-cua-ban-thuong-vu-tinh-uy-chung-tay-vi-moi-truong-song-trong-lanh-091008.bbg