Thực hiện chi trả an sinh xã hội và lương hưu không dùng tiền mặt

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại để nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.

Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại để nhận lương hưu, trợ cấp BHXH.

Mang lại nhiều lợi ích

Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng là chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Theo đó từ ngày 1/7/2024, BHXH Việt Nam sẽ triển khai thực hiện việc chi trả lương hưu và các chế độ BHXH qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng thụ hưởng. Hiện, các địa phương cũng đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó tạo lập tài khoản ngân hàng cho các đối tượng nhằm đảm bảo việc chi trả được thực hiện theo đúng đối tượng và đúng tiến độ.

Tại phường Vân Phú, nhiều người dân thụ hưởng có mặt tại UBND phường làm thủ tục chuyển đổi hình thức nhận lương hưu, trợ cấp BHXH. Bà Hà Thị Bích Niên, khu 1, phường Vân Phú là bộ đội nghỉ hưu được hưởng chế độ hưu trí, hàng tháng, bà phải đến tận nơi, xếp hàng chờ lĩnh lương hưu. Tuy nhiên từ tháng 7, bà không cần phải mất nhiều thời gian như trước, bởi tiền sẽ được chi trả qua tài khoản ngân hàng. Bà Niên bày tỏ: “Lúc đầu, việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt với những người cao tuổi rất khó. Nhưng khi được nhân viên BHXH tuyên truyền về tiện ích của việc chi trả lương hưu qua tài khoản, tôi thấy rất hữu ích, tôi không đắn đo nữa mà mở luôn tài khoản ngân hàng để nhận lương”.

Có mặt tại UBND xã Phượng Lâu, TP Việt Trì vào những ngày tháng 6, có thể thấy không khí sôi nổi, tích cực của cán bộ BHXH, Bưu điện, Ngân hàng và lực lượng Công an xã trong việc tuyên truyền cho người dân nhận trợ cấp, lương hưu qua tài khoản ngân hàng. Trung tá Bùi Minh Tiến- Trưởng Công an xã Phượng Lâu cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an thành phố về việc phối hợp với BHXH nhằm hiện thực hóa Đề án 06 của Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Công an xã đã rà soát, xác minh đối tượng thụ hưởng trên dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ quan BHXH, tăng cường tuyên truyền đến người dân trên các phương tiện thông tin như: Đài truyền thanh xã, mạng xã hội, các nhóm Zalo của khu dân cư, trong các cuộc họp chi bộ; gửi giấy mời, phiếu khảo sát đến các đối tượng được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH,... Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, tránh phát sinh những quan điểm, thái độ tiêu cực của người thụ hưởng”.

Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân đã mang lại nhiều tiện ích: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả nhưng vẫn được đảm bảo chi trả đúng thời hạn; người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, an toàn; góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho người lao động... Với cơ quan chi trả, phương thức này cũng giúp bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ; tránh được sai sót, giảm bớt áp lực, thời gian trong tổ chức chi trả...

Cán bộ BHXH và lực lượng Công an hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản ngân hàng nhận trợ cấp BHXH, lương hưu.

Cán bộ BHXH và lực lượng Công an hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản ngân hàng nhận trợ cấp BHXH, lương hưu.

Nỗ lực, đồng lòng thực hiện

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 5/2024, BHXH tỉnh đang quản lý và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 90.073 người hưởng với số tiền chi trả trên 418 tỷ đồng/tháng. Số người hưởng tại khu vực đô thị đăng ký nhận chi trả qua thẻ ATM là 13.964 người, chiếm tỷ lệ 27,55%/tổng số người hưởng hàng tháng tại khu vực đô thị, đạt 86% kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2024 (kế hoạch giao 32%). Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn quốc, kết quả đạt được của tỉnh còn tương đối thấp, việc bao phủ thanh toán không dùng tiền mặt đối với người hưởng trợ cấp vẫn còn gặp nhiều rào cản. Bởi lẽ, bên cạnh hầu hết các đối tượng thuộc nhóm này là người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội,... thì đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn cũng gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận.

Tại huyện Tân Sơn, nhiều đối tượng chính sách vừa là những người cao tuổi, vừa là người đồng bào dân tộc thiểu số, không quen sử dụng điện thoại thông minh và tài khoản cá nhân. Cùng với đó, máy rút tiền tự động có khoảng cách quá xa với nơi ở, hạ tầng mạng Internet còn hạn chế, đã ảnh hưởng đến quá trình sử dụng, thao tác trên môi trường mạng, khiến người dân chưa mặn mà với thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Hà Đức Tương, ở khu Hoạt, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn, được hưởng chế độ trợ cấp người có công chia sẻ: “Ở tuổi này, sức khỏe đã kém, việc đi ra trung tâm xã rút tiền ở cây ATM cũng là điều khó khăn đối với tôi, các con tôi đi làm ở xa. Mặc dù, các cháu đã hướng dẫn thực hiện thao tác trên điện thoại thông minh nhưng tôi vẫn nhầm lẫn, không thể nhớ được. Vì vậy, tôi vẫn chọn lĩnh lương hưu bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, chúng tôi có nhu cầu giao lưu gặp gỡ, mỗi lần đi lĩnh lương là được gặp đồng nghiệp cũ, bạn bè rất vui”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hùng- Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Thời gian tới, để triển khai chính sách số hóa chi trả an sinh xã hội một cách hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, để người dân thấy được lợi ích, lan tỏa thông tin và tăng cường sử dụng dịch vụ. Các đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại hỗ trợ miễn, giảm phí mở tài khoản gắn với an sinh xã hội, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn; kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh liên quan đến quy trình nghiệp vụ và hạ tầng hệ thống cũng như chất lượng dịch vụ; đồng thời quan tâm lắng nghe những phản hồi từ phía những người mở tài khoản nhận trợ cấp an sinh xã hội để có những tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn”.

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số”, BHXH tỉnh đã ban hành Công văn chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã để triển khai thực hiện Quy trình trên địa bàn các huyện, thị xã; đồng thời gửi văn bản đến Công an tỉnh để phối hợp triển khai thực hiện. Hiện tại, đã có 8 đơn vị BHXH cấp huyện tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, huyện Đoan Hùng và thị xã Phú Thọ, nhờ có sự vào cuộc của Công an huyện và chính quyền địa phương, đã mang lại kết quả khả quan về vận động, phát triển người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân. Tại kỳ chi trả tháng 5/2024, thị xã Phú Thọ tăng thêm 380 người; huyện Đoan Hùng tăng thêm 32 người.

Hy vọng rằng với sự quyết tâm trong việc triển khai thực hiện Đề án 06 nói chung và việc vận động người hưởng đăng ký chi trả qua phương thức thanh toán không tiền mặt nói riêng, kết hợp với việc rà soát, xác minh làm sạch dữ liệu người hưởng trong việc phối hợp triển khai thực hiện Quy trình số 2286/C06-TCKT ngày 22/3/2024 của Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan chức năng giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần bảo đảm công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, BHTN nhanh chóng, chính xác; đồng thời, hoàn thành mục tiêu của Chính phủ trong chi trả các chế độ an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng trước tháng 10/2024.

Như Quỳnh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thuc-hien-chi-tra-an-sinh-xa-hoi-va-luong-huu-khong-dung-tien-mat-214767.htm