Thực hiện chính sách y tế: Điều kiện cần và đủ để giữ chân cán bộ

Lâu nay, Thái Nguyên luôn coi đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Với hệ thống y tế rộng khắp gồm trên 170 trạm y tế tuyến xã, 24 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện và 12 bệnh viện tuyến tỉnh, việc thực hiện tốt các chính sách về y tế đã giúp nguồn nhân lực ngành Y tế trên địa bàn tỉnh ổn định.

Tuy công tác tại địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng các y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai luôn nhiệt huyết với việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Tuy công tác tại địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng các y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai luôn nhiệt huyết với việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Việc thực hiện các chính sách về y tế - dân số trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, nhất là đối với các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, người nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (từ năm 2021 đến nay, mỗi năm có trên dưới 60 nghìn người được hỗ trợ). Quỹ KCB người nghèo hàng năm cũng được hỗ trợ kịp thời...

Nhờ có chính sách này, nhiều hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh không còn phải lo lắng nhiều mỗi khi đau ốm, phải đi KCB. Anh Ngô Văn Hạnh, người dân tộc Mông, ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), chia sẻ: Vì nằm trong danh sách hộ nghèo, các thành viên trong gia đình mình đều được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế. Vì thế, mình không phải lo lắng chi phí KCB mỗi khi trong gia đình có người ốm đau, phải đi khám, điều trị tại bệnh viện.

Ngoài ra, chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn cũng được ngành Y tế thực hiện đầy đủ, kịp thời theo các quy định hiện hành. Cụ thể, cán bộ, viên chức y tế của tỉnh đang công tác hoặc được điều động đến công tác tại các cơ sở y tế thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cũng được ngành Y tế triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ Trạm Y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), cho hay: Các chính sách hỗ trợ cán bộ y tế công tác ở địa bàn còn nhiều khó khăn như Văn Lăng được các cấp, ngành chức năng thực hiện rất kịp thời. Đó là động lực để tôi và các đồng nghiệp luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Không dừng lại ở đó, tỉnh còn thực hiện có hiệu quả chính sách đối với nhân viên y tế thôn bản theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 nhân viên y tế thôn bản, trong đó nhân viên y tế thôn bản ở các xã đều được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung... Việc thực hiện tốt chính sách này cũng khuyến khích nhân viên y tế thôn bản tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.

Bệnh viện C Thái Nguyên được Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật điện quang can thiệp.

Bệnh viện C Thái Nguyên được Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật điện quang can thiệp.

Có thể khẳng định, thời gian qua, Thái Nguyên đã thực hiện tốt các chính sách về y tế. Dù vậy, lương, chế độ, chính sách, phụ cấp (theo quy định) dành cho cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế cơ sở và chế độ hỗ trợ cho y tế thôn bản hoạt động còn thấp. Bởi vậy, việc thu hút nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ, cán bộ kỹ thuật cao tại một số cơ sở KCB công lập còn khó, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển y tế chuyên sâu. Đặc biệt là vẫn có tình trạng bác sĩ chưa yên tâm công tác, nghỉ việc, xin chuyển công tác, trong khi đó yêu cầu công việc, chất lượng phục vụ của người bệnh đòi hỏi ngày càng cao. Các chuyên khoa đặc thù cao như: Tâm thần, Pháp y, Lao khó thu hút được bác sĩ; y tế thôn bản, tổ dân phố luôn biến động (do lực lượng này ở các phường, trị trấn không được hưởng phụ cấp như tuyến xã), một số chưa an tâm, nhiệt tình với công việc.

Trên thực tế, thời gian đào tạo bác sĩ kéo dài, điểm thi đầu vào cao, trong khi chế độ đãi ngộ đi học còn thấp. Sau khi học xong, bác sĩ phải thực hành tại bệnh viện 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề KCB. Do đó, nếu chính sách, đãi ngộ dành cho viên chức y tế chưa tương xứng thì việc giữ chân cán bộ không phải là chuyện dễ dàng.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cùng với việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nhà nước cần có các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế về lương, thưởng... Đặc biệt, các cấp, ngành, chức năng cần quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; bố trí, sử dụng cán bộ y tế hợp lý. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202405/thuc-hien-chinh-sach-y-tedieu-kien-can-va-du-de-giu-chan-can-bo-1370462/