Thực hiện chưa nghiêm quy định phòng chống tác hại của thuốc lá
Tình trạng vi phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại Hải Dương diễn ra phổ biến mặc dù nhiều biện pháp đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai.
Mơ hồ
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành ngày 18.6.2012, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.5.2013. 10 năm đã trôi qua kể từ khi luật này có hiệu lực, rất nhiều người vẫn tỏ ra mơ hồ.
Trưa 12.9, gần bãi đỗ xe ô tô Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ít nhất có hai người đàn ông vô tư ngồi hút thuốc lá. Họ không hề hay biết cơ sở y tế là một trong những địa điểm mà điều 11, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định “cấm hút thuốc hoàn toàn”. “Tôi cũng chưa bao giờ nghe về luật này, chỉ thấy báo đài tuyên truyền là nên bỏ thuốc”, một trong hai người đàn ông nói.
Tối 10.9 vừa qua, Nhà Thiếu nhi Hải Dương có hàng nghìn lượt trẻ em đến vui chơi Tết Trung thu. Thế nhưng, một số nam giới vẫn phì phèo điếu thuốc trên tay trong lúc ngồi đợi con. Những làn khói trắng mờ ảo chứa rất nhiều chất độc hại khuếch tán vào không khí, đi vào phổi của những đứa trẻ đứng gần. Giống như hai người đàn ông trên, những người này cũng không biết cơ sở giải trí dành riêng cho trẻ em là một trong những địa điểm bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn…
Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều quán karaoke trong tỉnh hiện không có khu vực dành riêng cho những người có nhu cầu hút thuốc lá. Phần đông chủ các cơ sở này khi được hỏi đều chưa hiểu luật, họ để khách hàng tùy tiện hút thuốc trong phòng với suy nghĩ “khách hàng là thượng đế”.
Cách tường bao các Trường THPT Tứ Kỳ và Tứ Kỳ 2 chỉ vài bước chân có một số hàng quán bán nước kèm thuốc lá. Những người bán hàng không hề hay biết họ đã vi phạm pháp luật vì Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định không được bán thuốc lá phía ngoài cổng các cơ sở giáo dục, y tế trong phạm vi 100 m (tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó). Tình trạng này diễn ra phổ biến tại nhiều nơi trong tỉnh.
Luật yêu cầu từ đại lý bán lẻ thuốc phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ, phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Tuy nhiên, dường như chẳng có nơi nào thực hiện đúng những quy định này. Hành vi tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức cũng bị luật nghiêm cấm nhưng rất ít người quan tâm hoặc không hay biết. Chị V.T.T. thường xuyên tiếp thị thuốc lá cho khách hàng tại một số quán nước trên phố Đỗ Ngọc Du (TP Hải Dương) thừa nhận: “Em làm công việc này mấy năm rồi nhưng không biết bị pháp luật nghiêm cấm”.
Không chỉ người dân mơ hồ, vi phạm quy định phòng chống tác hại của thuốc lá, không hiếm cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả người đứng đầu cơ sở giáo dục, y tế dù nắm chắc luật nhưng lại thiếu ý thức, phớt lờ quy định. Việc đưa nội dung “cấm hút thuốc ở nơi làm việc” vào trong nội quy tại một số cơ quan chỉ là hình thức…
Tuyên truyền đi đôi với xử phạt
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có người hút thuốc lá cao hàng đầu thế giới. Mỗi năm cả nước có khoảng 40.000 người tử vong do mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá... Nếu Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá không được thực hiện nghiêm thì tình trạng này sẽ khó giảm.
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền ở nhiều nơi chưa được quan tâm. Giai đoạn hiện nay, cần tận dụng lợi thế của công nghệ, mạng xã hội để tuyên truyền nhiều hơn về phòng chống tác hại của thuốc lá và những hệ lụy bằng video, hình ảnh một cách sáng tạo, sinh động, thường xuyên, liên tục.
Ông Nguyễn Hữu Luân, một cựu giáo chức ở TP Hải Dương tỏ ra băn khoăn khi ngày càng có nhiều học sinh chưa đủ 18 tuổi đã hút thuốc. “Các nhà trường cần tuyên truyền mạnh hơn, sử dụng nhiều biển bảng, hình ảnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Mỗi năm có thể tổ chức 1-2 cuộc thi để học sinh nâng cao hiểu biết, chấp hành luật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, ông Luân đề xuất.
Tỉnh ta có một số đơn vị triển khai được những giải pháp hay, hạn chế gần như tuyệt đối việc hút thuốc lá như tại Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ hay Sở Giao thông vận tải... Nếu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đồng loạt quyết tâm thực hiện được như vậy thì những tác hại do thuốc lá gây ra đối với sức khỏe cộng đồng chắc chắn sẽ giảm dần.
Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng. Rất nhiều ý kiến đề xuất tăng mức xử phạt này lên hàng chục lần để bảo đảm tính răn đe.