Thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đạt được nhiều kết quả
Bám sát bộ tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT đã cụ thể hóa thành bộ công cụ đánh giá thực hiện chuyên đề hằng năm tại cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trong tỉnh gồm 5 tiêu chuẩn, 27 tiêu chí, 72 chỉ báo kèm theo các gợi ý minh chứng được lượng hóa cách đánh giá, xếp loại từng tiêu chí và xếp loại chung theo 4 mức: tốt, khá, đạt, không đạt.
Với cách làm này, sau 2 năm triển khai chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021- 2025, sở đã kiểm tra, hỗ trợ các phòng GD&ĐT với 41 cơ sở GDMN xây dựng kế hoạch thực hiện tiêu chí. Sở cũng đã yêu cầu cơ sở GDMN công khai kết quả tự đánh giá hằng năm kèm theo minh chứng trên trang thông tin điện tử của đơn vị, đồng thời yêu cầu phòng GD&ĐT tổng hợp, thống kê kết quả tự đánh giá của các đơn vị trực thuộc, báo cáo về sở theo quy định.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Sở GD&ĐT rà soát, lựa chọn và chỉ đạo 4 trường gồm: Mầm non Thành Cổ (thị xã Quảng Trị), Mầm non Cửa Việt (Gio Linh), Mầm non Hải Ba (Hải Lăng) và Trường Mầm non Hoa Lan (Đakrông) có điều kiện tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để chỉ đạo xây dựng mô hình điểm cấp tỉnh về thực hiện chuyên đề, sau đó nhân rộng mô hình điểm theo từng địa bàn phù hợp với điều kiện vùng, miền. Trong giai đoạn 2024- 2025, sở sẽ chọn thêm 2- 3 cơ sở GDMN để nhân rộng mô hình điểm cấp tỉnh.
Cùng với đó, sở tổ chức hội thảo tư vấn, hướng dẫn xây dựng mô hình điểm chuyên đề về xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021- 2025 để chia sẻ kinh nghiệm các mô hình đã triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2016- 2020, đồng thời gợi mở, định hướng chủ đề và cách thức xây dựng mô hình điểm giai đoạn 2021- 2025. Chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện lựa chọn xây dựng mô hình điểm cấp huyện về thực hiện chuyên đề, giai đoạn 2021- 2025. Đến nay, các địa phương cấp huyện đã chọn 32 trường để xây dựng mô hình điểm và có lộ trình tăng số trường điểm theo từng năm học với mục đích nhân rộng mô hình phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương.
Đánh giá tổng thể kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Minh chia sẻ, đến nay toàn cấp học mầm non đã chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chuyên đề một cách nghiêm túc, bài bản, đạt hiệu quả. Sở đã tổ chức thành công hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, xây dựng bộ công cụ đánh giá kết quả triển khai thực hiện chuyên đề áp dụng đối với từng cơ sở GDMN theo năm học; triển khai thực hiện mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong cơ sở giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMN, giai đoạn 2021- 2025.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Từ đó, có những hoạt động cụ thể, thiết thực trong việc xây dựng môi trường, lựa chọn nội dung, khai thác môi trường hiện có để dạy trẻ cũng như hạn chế dần sự gò bó, máy móc trong tổ chức các hoạt động của cơ sở giáo dục trẻ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, giáo viên chủ động trong việc lập kế hoạch, lựa chọn chủ đề, đề tài, xác định hình thức giáo dục phù hợp với đặc điểm của trẻ, tình hình thực tế địa phương, biết cách xây dựng, sắp xếp môi trường giáo dục trong và ngoài lớp phù hợp và có sự đổi mới về phương pháp giảng dạy, tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, khám phá, trải nghiệm.
Một trong những kết quả đạt được là 100% trẻ đến trường được đánh giá sự phát triển của trẻ theo quy định. Kết quả, trẻ đạt yêu cầu các lĩnh vực phát triển theo chương trình GDMN đối với trẻ nhà trẻ 89% trở lên, 90,5% trở lên đối với trẻ mẫu giáo. Trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát, tích cực tham gia các hoạt động, có thói quen và kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi.
Để đảm bảo điều kiện dạy học, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành GD&ĐT quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học và phát triển của trẻ. Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã huy động và tiếp nhận nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN.
Năm học 2021- 2022, sở đã tham mưu UBND tỉnh và tích cực phối hợp các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan để huy động sự hỗ trợ từ Tổ chức VVOB Việt Nam và đã ký kết thỏa thuận hợp tác để triển khai dự án “Giáo viên mầm non áp dụng kiến thức, kỹ năng giảng dạy tạo môi trường học giàu ngôn ngữ cho trẻ”, giai đoạn 2022- 2026”.
Trong 2 năm học qua, bằng các nguồn vốn huy động được, ngành GD&ĐT xây mới 105 phòng học, cải tạo 61 công trình vệ sinh, 32 bếp ăn cho một số trường học. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.078 phòng học kiên cố, đạt 60,02%, 1.575 nhóm/lớp có đủ thiết bị đồ chơi, đạt 89,3%, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi 518 lớp, đạt 100%.
Kết quả tự đánh giá, xếp loại thực hiện chuyên đề của các cơ sở GDMN trong tỉnh, năm học 2021- 2022 loại tốt 119 trường, đạt 71,69%, loại khá 47 trường đạt 28,31%, năm học 2022- 2023 loại tốt 135 trường, đạt 81,33 %, các trường còn lại đạt loại khá.
Về giai đoạn 2023- 2025, Sở GD&ĐT xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm như chỉ đạo cơ sở GDMN thuộc phạm vi quản lý, mỗi đơn vị đăng ký và triển khai thực hiện ít nhất 1 mô hình tiêu biểu trong thực hiện chuyên đề. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện mô hình điểm trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị và triển khai nhân rộng mô hình điểm theo lộ trình đã xây dựng.
Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên mầm non để thực hiện tốt chuyên đề vào việc thực hiện chương trình GDMN, đồng thời tiếp tục bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách theo phân cấp để triển khai có hiệu quả chuyên đề cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mầm non...